Thử thách ăn canh xương rồng, bạn dám không?

Không biết bạn thế nào, nhưng tui không chỉ một lần phải căng mắt toát mồ hôi hột nhổ những cái gai xương rồng mảnh dẻ, bé li ti đâm vào tay. Vậy nên khi có người rủ tui ăn canh xương rồng, tui cứ sờ sợ. Đương nhiên không phải loại xương rồng nào cũng làm thực phẩm được, người ta chỉ sử dụng cây lưỡi long mà thôi.

Loài xương rồng này mọc cực kỳ nhiều ở những vùng nắng gió, nơi thì mọc hoang, nơi thì trồng làm cảnh.

Cây lưỡi long còn gọi là lưỡi rồng, xương rồng Nopal, xương rồng tai thỏ, thuộc họ Opuntia; có tên khoa học là Opuntia ficus-indica. Cây ngó bộ cứng cáp vậy chứ trong thân lá lại khá nhớt. Tất cả bộ phận từ thân, lá, hoa, quả, hạt của cây lưỡi long đều dùng để làm thuốc, đặc biệt là các thuốc về đường tiêu hóa, nhất là bệnh liên quan đến dạ dày. Loài cây này là biểu tượng cho tinh thần vươn lên của người Trung Mỹ và còn xuất hiện trên quốc kỳ Mexico.

Thường thì người ta chọn những lá xương rồng non, vẫn còn màu xanh mơn mởn mướt mắt thì mới mềm và ngọt. Bẻ buổi sáng thì lưỡi long sẽ chua nhẹ và nhiều nhớt hơn, còn bẻ buổi chiều thì ngọt hơn và ít nhớt hơn. Tuy nhiên, nhỏ giờ tui vẫn thấy má tui nói hái rau nên hái vào buổi sáng thì sẽ tươi ngon và nhiều chất hơn.

Cắt bỏ những mắt gai bên ngoài, tiếng là gai nhưng nó như những chiếc lá chưa tiêu biến hết, non mềm xèo.

Đem rửa sạch, xắt mỏng rồi luộc. Người nào kỹ thì còn phơi cho hơi héo để bớt nhớt rồi mới đem vào luộc. Đến công đoạn này người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như canh, luộc, salad…; còn nấu canh thì không cần luộc nữa. Lưỡi long chỉ cần nấu trôi, thêm chút dầu rồi nêm nếm là đã xong. Lưỡi long dễ tính, nên nếu muốn thêm đạm thì có thể nấu với tôm, thịt, cá liệt, cá thửng, cá chù, cá ngừ… đều ngon. Bắc nồi nước sôi bùng, thả mớ cá còn tươi óng ánh vào. Nước sôi lại thì vớt bọt và nêm nếm rồi cho lưỡi long vào. Sôi lại nữa là được, rắc chút hành lá, tiêu vào, vậy là xong nồi canh.

Có thể nêm hành, hẹ đều được.

Lưỡi long là một món ăn khá đặc biệt. Thứ nhất là có vị giòn giòn, mọng nước của loài cây kiên cường sống trên sa mạc. Thứ hai là nó khá nhớt, ăn đứt cả đậu bắp, rau đay hay mồng tơi. Thứ ba là nó có vị chua nhẹ, kích thích vị giác; cũng chính vì tính chất chua này nên sôi một xíu là những chiếc lá xanh sẽ chuyển màu vàng ngay. Cũng vì cái vị chua chua nhè nhẹ đó mà bát canh lưỡi long trong bữa ăn mùa hè lại rất đưa cơm. Tui bị thuyết phục ngay lần đầu thử món này đó.

Món lưỡi long tiếng là của Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi nhưng tui lại thấy nó nổi danh ở Phú Yên hơn. Vì vậy nếu có dịp về vùng đất này, bạn phải thử canh lưỡi long nhen, không dễ có cơ hội thưởng thức đâu.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *