Dạo quanh các tỉnh miền núi phía Bắc, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà trình tường vàng nhạt ẩn hiện sau tán lá xanh. Người Lô Lô, Dao, Tày, Hà Nhì, Mông đều ở nhà trình tường nhưng kiến trúc mỗi nơi lại không hoàn toàn giống nhau. Cùng tui thử khám phá một ngôi nhà trình tường cổ của người Mông ở bản Cát Cát nhen. Ngôi nhà này vừa là điểm tham quan và hiện vẫn có chủ nhà sinh sống. Vì vậy bạn nhớ nhẹ nhàng với đồ vật trong nhà nhé.
* Kỹ thuật làm nhà độc đáo
Kỹ thuật xây nhà trình tường không có trong sách vở mà cứ được cha ông đời trước lưu giữ và truyền cho đời sau. Nơi làm nhà được lựa chọn kỹ càng, phải là mảnh đất tốt, đất lành rồi mới tiến hành san nền, kê móng và trình tường nhà. Nhà được xây sát mặt đất chứ không làm trên nền móng cao hay cách biệt như nhà sàn. Vật liệu xây dựng thuần túy từ thiên nhiên như đất sét, gỗ, tre nứa. Đất làm tường nhà phải là đất sét tốt, có độ kết dính cao, mịn, không có đá sỏi, cỏ rác… Dùng ván gỗ ghép thành khuôn rộng chừng 0.5m, dài khoảng 1.5m. Đổ đất sét vào khuôn rồi dùng chày hoặc vồ giã mạnh để đất dính chặt lại với nhau, không bị rơi rớt sau khi tháo khuôn. Khuôn cũng phải rất chắc chắn để chịu được sức chày giã xuống. Xong khuôn này lại làm khuôn khác cho đến khi tường nhà hoàn thành. Lớp tường nhà rất dày, có thể đến 40-50cm, như vậy mới đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, giúp chống chọi với khí hậu khắc nghiệt trên các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Đặc biệt, bức tường này không có cột nào làm trụ mà vẫn rất chắc chắn. Trong khi làm, thỉnh thoảng người ta còn cho vài viên đá nhỏ lẫn vào đất để tăng độ bền cho tường. Xong công đoạn làm tường thì mới dựng khung nhà bằng gỗ lên.
Bức tường đất sét qua thời gian đã nứt nhưng vẫn chắc chắn.
Theo quan niệm của người Mông, khâu trình tường nhà chỉ do đàn ông và người quen trong làng giúp nhau thực hiện, phụ nữ và người lạ không được phép đến gần. Sau này, đất sét khô lại sẽ tạo nên màu vàng tươi cho ngôi nhà, lâu dần mới sẫm lại theo sương gió thời gian.
Một ngôi nhà mô phỏng cách xây nhà trình tường, nổi bật bởi vẻ ngoài vàng ruộm sắc nắng.
Làm tường nhà xong, chủ nhà sẽ chọn ngày đẹp để làm lễ đặt cột. Cây cột cái và cây đòn nóc được chặt từ rừng về và đưa ngay lên nóc nhà mà không để chạm xuống đất. Hai cây cột này rất quan trọng với người Mông, được coi là cột chủ đạo trong nhà, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững chãi của chủ nhà. Vì vậy họ phải chọn cây rừng còn tốt, không bị hư hại, bị sâu. Trước khi chặt cây còn phải thắp hương khấn thần rừng, thần cây xin phép đem gỗ về làm nhà; có như vậy thì gia đình mới được thần phù hộ và yên ấm, hạnh phúc.
Cuối cùng là khâu lợp mái. Mái nhà trình tường truyền thống được lợp bằng cỏ tranh hoặc mái ngói âm dương. Mái này cũng có tác dụng điều hòa nhiệt độ tương tự như vách đất của ngôi nhà. Sau này, ngói ít dần, nhiều gia đình chuyển sang lợp bằng fibro xi măng.
Một điểm ấn tượng nữa với nhà trình tường của người Mông là hàng rào đá bao quanh nhà. Những viên đá kích thước, hình thù khác nhau được nhặt về rồi xếp chồng lên nhau, ken khít tạo thành bức tường phẳng, vững chãi, kiên cố dù không có bất kỳ chất kết dính nào. Để làm xong hàng rào này có khi phải mất hàng tháng trời, thậm chí cả 2-3 năm. Tui không biết giữa người Mông và người Phú Yên có liên hệ gì với nhau không, nhưng ở đất Phú cũng có một ngôi làng nổi tiếng với nghệ thuật xếp đá tương tự (làng Phú Hạnh, huyện Tuy An).
Đọc thêm: Gành Đá Dĩa farmstay – bình yên nơi xóm biển
Hoa trong sân nhà.
* Ngôi nhà nhỏ ấm cúng nơi núi cao
Cánh cổng gỗ vào sân.
Giữa hàng rào đá là một cánh cổng gỗ nho nhỏ, đơn sơ, dẫn lối vào nhà. Cánh cổng được lợp mái, bên trên rêu phủ đầy. Bước qua cánh cổng là khoảng sân để tổ chức các hoạt động chung cho gia đình, vui chơi hoặc nghi lễ.
Lối nhỏ dẫn từ cổng sân vào nhà.
Nhà trình tường thường có 3 gian. Gian giữa rộng hơn cả, là nơi thờ cúng tổ tiên và tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình. Gian bên phải đặt bếp sưởi và phòng cho khách nghỉ. Gian bên trái đặt bếp lò và chỗ ngủ của gia đình.
Gian giữa, bên dưới đặt bàn thờ, bên trên giăng cây phơi bắp để trữ lương thực.
Bàn tiếp khách.
Trời mưa nên củi được đặt bên bếp lò để hong cho khô.
Phía trên 2 gian phụ là sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm, có cầu thang nhỏ dẫn lên. Hôm nào nhà đông khách thì có thể ngủ trên gác này. Tuy nhiên phụ nữ không được lên gác. Ngôi nhà có thể có 1-2 chái nhà đặt các dụng cụ khác như cối giã gạo, xay bắp… Nhà nào có điều kiện thì sẽ xây 2 tầng cách biệt, còn không thì làm gác lửng.
Cầu thang 7 bậc dẫn lên gác lửng.
Ngoài cửa chính còn có các cửa phụ thông ra hông nhà và cửa sổ thoáng trí, các cửa này đều mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Người Mông không sử dụng bản lề và then cửa bằng sắt, thay vào đó họ cài bằng then gỗ. Họ cho rằng cánh cửa được xem là lòng dạ con người, nếu dùng sắt thì sẽ lạnh. Vì vậy toàn bộ ngôi nhà trình tường đều là những vật liệu gần gũi với thiên nhiên. Trước cửa chính thường treo một tấm vải đỏ để trừ tà. Trong khuôn viên sân nhà còn có chuồng gia súc nhưng phải hợp hướng gió và không đối diện với cửa chính.
Cổng phụ (2 ảnh trái) và cổng vào sân (ảnh phải).
* Nhà triển lãm mini
Ở đây còn trưng bày một loạt các đồ dùng thường gặp trong gia đình.
Trống hội và chiêng cái.
Khung xe sợi lanh (ảnh trái), cối giã gạo (ảnh giữa) và dụng cụ làm nương (ảnh phải).
Khung dệt vải, nơi mà người phụ nữ Mông đã làm nên những tấm vải lanh công phu.
Đọc thêm: Giữ gìn nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông
Áo tơi đi mưa.
Quả bầu khô – một vật không thể thiếu trong mọi ngôi nhà của người Mông vì liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng.
Nhà trình tường thật sự là một nét văn hóa đậm đà của đồng bào dân tộc Mông. Dù nắng mưa thời gian có làm phai nhòa thì nơi đây vẫn luôn là điểm hấp dẫn bước dừng chân của du khách.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Khám phá ngôi nhà trình tường cổ của người Mông ở bản Cát Cát […]