Giữ gìn nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông

Nếu có dịp lên vùng cao phía Bắc, bạn sẽ dễ dàng lạc vào sắc màu thổ cẩm phong phú của các chàng trai cô gái nơi đây. Những nét hoa văn đa dạng trên váy, áo, mũ, túi, khăn choàng nhờ bàn tay khéo léo dệt, thêu, ghép vải… mà thành. Không những thế người Mông (H’Mong) ở Lào Cai, Yên Bái và nhiều nơi khác có một cách tạo hoa văn rất độc đáo, đó là vẽ sáp ong trên vải lanh (còn gọi là batik).

1. Những tấm vải lanh dệt tay

Tầm tháng 3 âm lịch, những hạt lanh được gieo xuống đất cùng với cơn mưa đầu mùa. Đến khi thu hoạch, người ta cắt bỏ lá, chỉ lấy phần thân cây rồi đem phơi khô. Thân cây bé nhỏ, giòn, dễ gãy nên phải nhẹ nhàng vì nếu gãy thì sợi lanh không còn đẹp nữa. Ngày nắng đem ra sân phơi, ngày mưa hay buổi tối thì cất trên gác bếp. Chừng nửa tháng sau, lanh đã khô thì đem tước vỏ thành những sợi nhỏ, khoảng 8-12 sợi mỗi cây, sợi dài nhất có thể đến 1.6m. Giẫm hoặc giã sợi lanh cho tróc bỏ lớp màng bám trên vỏ, công đoạn này sẽ giúp sợi lanh mềm và sạch; giã đến khi sợi lanh mềm, uốn cong là được. Sau đó chẽ đôi 1 đoạn phần đầu của sợi lanh này, nhét đầu sợi lanh khác vào, xoắn chắc lại để không thấy mối giữa hai sợi – đây là bước nối sợi lanh. Sợi lanh nối xong sẽ quấn quanh khẩu lỵ – là một khung tre hình vuông – để giúp duỗi thẳng sợi lanh. Xong bước này thì lanh được bó lại, ngâm nước tro qua đêm rồi luộc nước tro cho mềm và trắng ra, đem giặt sạch và phơi khô. Làm vậy 3 lần, đến lần luộc cuối thì thêm sáp ong cho mềm và trơn sợi lanh rồi vớt ra phơi khô. Sau đó, lấy khúc gỗ dần bó sợi lanh trên mặt đá phẳng để sợi lanh trở nên mềm và sáng rồi mới đem dệt vải. Vải lanh lại tiếp tục được ngâm nước tro, rồi giặt sạch và phơi khô. Cứ như vậy làm đi làm lại đến khi miếng vải chuyển màu trắng ngà mới thôi.

Vải lanh còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông vì họ tin rằng đó là sợi dây kết nối với tổ tiên. Tuy nhiên, trồng cây lanh thì đơn giản nhưng để dệt được tấm vải lanh thì rất phức tạp. Do vậy, ngày nay vải lanh dệt tay còn khá ít.

2. Những nét vẽ độc bản

Sáp ong khi vẽ lên vải thì phần vải đó sẽ không đổi màu cho dù bị nhuộm. Người Mông đã phát hiện ra đặc tính này của sáp ong và sáng tạo thành kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải.

Ngòi bút vẽ là 2 lá đồng hình tam giác, được kẹp vào thân bút là một thanh tre nhỏ dài hơn nửa gang tay. Có nhiều loại bút để vẽ những hoa văn khác nhau, bút ngòi mảnh và nét nhỏ để vẽ hoa; nét vừa để vẽ đường diềm; nét to để vẽ đường thẳng hoặc chấm tròn; bút xoắn để vẽ hình trôn ốc. Ngòi bút càng mỏng thì vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng.

Bên bàn vẽ là một bếp than nhỏ để nung chảy chén sáp ong. Lấy một lượng sáp ong màu vàng (sáp non) trộn với một lượng sáp màu đen (sáp già), giữ lửa để sáp luôn nóng tầm 70-80oC thì sáp mới chảy ra và không bị khô. Chấm bút vào sáp ong nóng, dòng sáp sền sệt sẽ len vào khoảng trống nhỏ giữa 2 lá đồng của ngòi bút vẽ. Khe hở của ngòi bút khá nhỏ vì nếu làm to, sáp sẽ chảy đi hết. Lượng sáp không nhiều nên cứ vài nét, người thợ lại nhẹ nhàng chấm sáp một lần, vừa đủ để tránh bị loang lổ trên vải.

Chén sáp ong luôn được đặt trên than liu riu.

Từ đó, tùy vào sự sáng tạo của mỗi người mà các họa tiết lần lượt hiện lên trên tấm vải. Mỗi nét bút đều đòi hỏi sự tỉ mẩn vì mỗi nét vẽ chỉ được làm một lần, không thể sửa sai. Không có khuôn mẫu nào cho các họa tiết này. Nét chữ thập, chữ đinh, ô quả trám, tam giác… được kết hợp một cách linh hoạt, tạo nên sự đa dạng trong từng khung vải. Những hoa văn nối tiếp nhau xuất hiện dưới bàn tay khéo léo đều dựa theo trí nhớ và sự sáng tạo của mỗi người. Đó là những nét vẽ truyền thống, là câu chuyện về thế giới tinh thần và thiên nhiên vùng sơn cước. Bởi vậy, mỗi tấm vải được vẽ nên đều mang tính độc bản.

Cụ Lò Thị Mẩy dù đã vào tuổi thất thập cổ lai hi nhưng vẫn miệt mài bên khung vải ở bản Cát Cát.

3. Nhuộm chàm

Tiếp đó là công đoạn nhuộm chàm. Cây chàm nhuộm vải là chàm mèo (chàm lá to) hoặc chàm quả cong (chàm lá nhỏ). Ngâm lá và cành chàm tươi trong thùng nước lớn vài ngày cho lên men, sau đó gạn lấy nước và bỏ vôi bột vào khuấy kỹ. Dần dần, thùng nước từ màu xanh lá cây chuyển thành màu xanh lam. Chờ một thời gian, bột chàm và vôi sẽ lắng xuống đáy thùng, lấy phần này đem lọc ráo nước sẽ được cao chàm. Cao chàm này dùng để làm nước nhuộm, pha thêm với nước tro bếp đã gạn kỹ, có thể thêm rượu và một vài loại lá cây. Ngâm vải vào thùng nước chàm một lát, xả lại bằng nước sạch rồi phơi khô. Công đoạn này cứ lặp đi lặp lại đến khi đạt được màu chàm ưng ý. Sau đó mới đem vải đi luộc, làm khoảng 3 lần, nước nóng khiến sáp ong tan chảy hết, để lộ ra hoa văn trên nền vải.

Thùng nước nhuộm bên phải. Vải sau khi nhuộm thì phơi cho khô. 

Những tấm vải thủ công với chất liệu thuần túy từ thiên nhiên. 

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải không chỉ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Mông mà còn là dòng chảy văn hóa nối liền các thế hệ. Mỗi ngày, các bà, các chị vẫn cần mẫn sáng tạo sản phẩm để giữ gìn bản sắc truyền thống. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh này khi lên vùng cao Tây Bắc, hoặc tại các khu du lịch như bản Cát Cát (Sa Pa). Nếu không, có thể ghé Tree Hugger, 5A Hai Bà Trưng (Tp. Quy Nhơn) để ngắm các tác phẩm vẽ sáp ong trên vải. Nhắc lại là tui review vì thích chứ không có thù lao gì nhen.

Vải lanh vẽ sáp ong dùng để làm khăn choàng, áo gối, túi xách…

Góc nhỏ: Ngày 10/11/2023, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo loại hình tri thức dân gian (Theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL).

Đọc thêm: Có một Tree Hugger nhỏ xinh giữa lòng thành phố

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *