Nhuộm sắc vàng tháng 4 cùng lễ hội hoa sưa Tam Kỳ

Mỗi độ tháng tư về, người dân thành phố Tam Kỳ lại rộn ràng chuẩn bị đón lễ hội hoa sưa vàng. Từ khoảng một tháng trước, sau khi những hơi lạnh cuối cùng rút đi, nắng ấm lan tràn trên dải đất miền Trung, sưa bắt đầu dồn sức nứt ra những mầm nụ be bé. Thế rồi, chỉ từ vài đốm vàng le lói sau tán lá xanh dày buổi chiều hôm trước, đến ngày hôm sau cả cây đã khoác một lớp vàng tươi rực rỡ. Nắng càng nhiều thì hoa càng nở rộ. Đến khoảng giữa tháng ba, những con đường nơi đây đã nhuộm vàng sắc hoa sưa cùng mùi thơm dịu dàng thu hút.

Hoa sưa mọc thành chùm ở đầu cành, cành sum suê có thể đến 20 -30 bông. Những cành hoa chen chúc vươn ra ngoài tán lá, khoe sắc vàng óng ánh. Hoa chỉ rộ khoảng một tuần là hết, nhưng lại nở thành nhiều đợt trong một mùa hoa, mỗi đợt cách nhau độ nửa tháng. Có lúc, lứa quả của đợt đầu vừa thành hình thì đợt hoa sau đã nở rộ. Quả sưa hình tròn, có 1-3 hạt tập trung ở tâm, lồi lên, còn mép ngoài thì mỏng dẹp, nhìn như một cái đĩa bay thu nhỏ. Ban đầu quả xanh, khi chín chuyển màu nâu. Mỗi đợt gió thổi qua, đám quả rung rinh lắc lư khá vui mắt.

Quả sưa vàng lúc còn xanh
Quả sưa vàng đang chín dần

Đây không phải là cây sưa nở hoa trắng rợp trời tháng ba ở miền Bắc, cũng không phải loại sưa đỏ (gỗ huỳnh đàn) quý hiếm. Cây sưa vàng có tên chính xác là hương vườn, hoặc giáng hương, tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Cây sưa vàng cùng chi với giáng hương quả to và giáng hương mắt chim. Cây tăng trưởng khá nhanh, rễ bạnh, cành nhánh dẻo và khó gãy, tán rộng. Hết mùa quả thì cũng chớm vào mùa mưa bão, cây bắt đầu rụng hết lá, còn lại những cành trơ trọi nên khó bị đổ ngã. Cây có giá trị về cảnh quan đô thị hơn là giá trị kinh tế. Chính vì những điểm thuận lợi như vậy nên từ một loại cây mọc tự nhiên trên vùng đất Quảng Nam hoặc được trồng lấy củi, hơn 10 năm nay, cây sưa được đưa vào trồng đại trà trên nhiều tuyến phố, cơ quan, công sở ở đây.

Cứ vậy, chừng vài năm sau, những hàng sưa đều tăm tắp ban đầu đã trổ hoa đồng loạt. Hết mùa xuân, cả tuyến phố như thay áo mới màu nắng để chào hè. Sắc màu ấy ở nơi đâu cũng đẹp, nhưng ấn tượng nhất là ở làng Hương Trà, phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ.

Làng Hương Trà nằm bên tả ngạn con sông Tam Kỳ, phía hữu ngạn là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Mảnh đất Hương Trà được nuôi dưỡng bởi phù sa từ con sông mẹ Tam Kỳ hợp lưu với sông cha Bàn Thạch. Ngày xưa, nơi đây chỉ là những cồn bãi, nước bao quanh, muốn vào làng phải đi bằng đò dọc, đò ngang. Dần dà, các dải đất nối sông với bờ được bàn tay con người bồi đắp thành hình. Để tránh mưa bão, lũ lụt gây sạt lở, bà con bắt đầu trồng cây sưa dọc bờ sông. Đến nay, ước chừng có khoảng 180 cây sưa từ 40 đến 500 năm tuổi ở đây. Đầu tháng tư, ngôi làng ven sông sáng bừng trong sắc hoa sưa. Những tán cây đan vào nhau rợp mát. Bên dưới, thảm hoa sưa nhuộm con đường vàng nắng bên dòng sông trôi lững lờ.

Chị Bình Thuận (Đà Nẵng) dạo bước trên con đường rợp bóng cây sưa. Chị không bỏ qua Lễ hội hoa sưa nào bởi mỗi năm đều có nét đặc sắc riêng

Chính vì phong cảnh nên thơ hữu tình đến vậy nên từ tháng 4/2017, CLB Nhiếp ảnh thành phố Tam Kỳ phối hợp với UBND phường Hòa Hương lần đầu tiên tổ chức lễ hội “Mùa hoa sưa” và rất thành công. Các năm tiếp theo quy mô tổ chức lớn dần và được nâng lên cấp thành phố, chỉ trừ năm 2020 tạm ngưng do dịch bệnh Covid 19. Lễ hội là dịp du khách được thưởng thức vẻ đẹp của hàng sưa trăm tuổi, không gian làng quê yên bình cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian của cộng đồng dân cư nơi đây. Dù hoa sưa vàng không phải chỉ có ở Quảng Nam, nhưng việc đón đầu tổ chức lễ hội từ 6 năm trước đã thể hiện sự nhanh nhạy của địa phương trong việc khai thác du lịch theo những mùa hoa.

Không gian mái tranh xưa, các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật… luôn đi kèm với Lễ hội hoa sưa để tạo thêm nét phong phú và độc đáo.

Tháng 4 năm nay, lễ hội “Tam Kỳ – mùa hoa sưa” sẽ tiếp tục diễn ra tại Vườn Cừa, làng sinh thái Hương Trà. Tháng 4 này, em có về xứ Quảng cùng tôi ?

Mách nhỏ cho bạn:

Hoa sưa là quốc hoa của đất nước Myanmar. Ở đây, hoa sưa có tên là hoa Padauk. Theo truyền thống, người dân xứ sở chùa Vàng chọn ra 12 loại hoa theo mùa, trong đó có 2 loại quốc hoa là hoa Padauk và hoa phong lan Thazin (tên khoa học là Bulbophyllum auricomum). Hoa Padauk được xem là dấu hiệu của những cơn mưa rào đầu tiên của tháng 4. Nó thường nở vào dịp tết cổ truyền Thingyan, gắn liền với lễ hội té nước, nên đây còn được coi là hoa của tết Thingyan. Điểm thú vị nữa là cây và hoa mang ý nghĩa riêng biệt. Nếu như cây Padauk là biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ thì hoa Padauk mang ý nghĩa cho tình yêu, tuổi trẻ và sự lãng mạn.

Cây sưa vàng ở Quy Nhơn

Từ 2013, 2014, sưa vàng bắt đầu được trồng thành 2 hàng dọc theo lối đi từ cổng vào nhà 15 tầng của trường ĐH Quy Nhơn. Khoảng 4 năm sau, sưa đã nở những lứa đầu tiên, một số hình trong bài này là tui chụp từ hồi đó.

Sân trường QNU ngày mưa, phía xa là hàng sưa đang trổ bông vàng óng

Phân biệt các loại cây sưa:

  • Cây sưa trắng: còn gọi là cây trắc thối, trắc hoa trắng, hoàng hoa lý, hoàng hoa lê. Cây thường được trồng lấy bóng mát, làm đẹp cho cảnh quan đô thị, chủ yếu ở miền Bắc. Tháng 3 cũng là dịp cây sưa trắng nở hoa, đã đi vào bài hát “Hà Nội 12 mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son: “Tháng ba bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây”.
Hoa sưa trắng. Ảnh trái: Minh Sơn. Ảnh phải: Kim Anh
  • Cây sưa đỏ: còn gọi là cây huỳnh đàn, trắc thối, huê. Tên khoa học là Dalbergia tonkinensis, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Đây là cây thân gỗ, thuộc nhóm 1A – nhóm gỗ cực kỳ hiếm. Thớ gỗ sưa đỏ khi ngửi gần hoặc đốt lên sẽ có mùi trầm, gỗ rất chắc, thớ mịn nên được xếp vào hàng gỗ quý cần được bảo tồn. Những gia đình có điều kiện thường dùng gỗ huỳnh đàn để làm đồ nội thất trong nhà.
Bộ phận Cây sưa đỏ Cây sưa trắng Cây sưa vàng

Lá dạng kép hình lông chim

Lá mọc so le nhau, dài 15–30cm, cuống dài 10–20cm và không có lông. Lá có mùi hắc khi vò nát.

Lá mọc đối xứng nhau, thường không có lá mọc so le. Khi vò nát lá cây thì không có mùi hắc.

Lá mọc so le, dài 15-30cm.

Hoa

Hoa thường mọc thành chùm từ nách lá, cánh nhỏ, màu vàng nhạt. Mùi thơm nhẹ. Thường nở vào tháng 2-3.

Hoa có cánh lớn, màu trắng. Thường nở vào tháng 3.

Hoa màu vàng đậm, mọc thành chùm 20-30 bông trên đầu cành, mùi thơm. Thường nở vào tháng 3-4.

Quả

Quả thuôn dài, mọc theo chùm, dài khoảng 5-8cm. Đốt lên có mùi thối nồng nặc (nên cây sưa đỏ còn được gọi là quả thối hay cây trắc thối).

Quả thường mọc đơn, khi đốt thì không có mùi gì đặc biệt.

Dạng quả đậu, mép quả bẹt thành cánh, có 1 – 3 hạt tập trung ở tâm thành một u lồi, bên ngoài có nhiều lông gai.

Thân

Thân xù xì, mốc, vỏ màu nâu. Cây già vỏ sẽ bị nứt dọc.

Thân có màu xanh, nhẵn. Thân màu xám trắng, hay bong tróc, mủ nhựa màu đỏ.
Vân gỗ Gỗ có màu đỏ bã trầu, thớ gỗ mịn, vân nổi lên từng lớp đặc trưng.

Gỗ sưa trắng có màu trắng lẫn đỏ, thớ gỗ mịn. Tuy nhiên không đẹp bằng gỗ sưa đỏ.

– Việt An – 

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *