Hồi nhỏ xem bộ phim Hoa ban đỏ, tui cứ ấn tượng về loài hoa mềm mại với cái tên đơn giản mà ấn tượng. Một ngày đẹp trời nọ, nhỏ bạn tui ráo hoảnh “Hoa ban hả, ở mình đầy, cây móng bò chứ đâu”. Trời đất ơi tui té ngửa luôn. Tên đi học xinh xắn bao nhiêu thì cái tên khai sinh nó huỵch toẹt cái độp bấy nhiêu. Mà thôi kệ, dù em mang cái tên gì đi chăng nữa thì vẻ đẹp của em vẫn hớp hồn tui, chốt vậy cho lẹ.
Hoa ban tím.
Cây móng bò còn gọi là hoa ban, cây hoàng hậu; ở Trung Quốc gọi là Dương tử kinh, ở Anh gọi là Camel’s foot. Tên khoa học chung là Bauhinia, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Trong từng phân nhánh, mỗi loại móng bò lại có tên khoa học riêng, ví dụ Móng bò tím, móng bò hoàng hậu là Bauhinia blakeana, Bauhinia Purpurea; Móng bò sọc Bauhinia variegata; Móng bò đỏ, móng bò hoa phượng Bauhinia galpinii; Móng bò trắng Bauhinia acuminata. Trong đó có loại cây thân gỗ (móng bò tím, móng bò sọc), cây bụi (móng bò trắng), cây dây leo (móng bò hoa phượng).
Hoa ban trắng trong sân trường NEU.
Hoa ban rất đẹp. Hoa mọc thành chùm ở ngọn cây hay nách lá nhưng khá thưa. Những bông hoa có kích thước lớn, màu sắc biến thiên qua nhiều dải màu khác nhau từ trắng, trắng phớt hồng, hồng tím, tím… Có loại màu trơn, có loại sọc trắng, sọc tím điểm xuyết giữa cánh. Mỗi bông có 5 cánh, mép lượn sóng kéo dài thành móng ở gốc. Trong đó có 4 cánh giống nhau, cánh còn lại mang hình dáng đặc biệt, khác lạ hơn như kiểu hoa phượng. Cả nhị lẫn nhụy hoa đều cong vút lên như đôi rèm mi đang khép hờ của người thiếu nữ.
- Đọc thêm: Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
- Cây cánh phượng
- Hẹn gặp lại nhau giữa mùa phượng tím
- Thắm sắc đậu anh đào mùa xuân
Vậy rồi mắc mớ gì không gọi người ta là “hoa ban” cho quyến rũ, mà gọi bằng cái tên cúng cơm “hoa móng bò”? Đơn giản vì lá của nó có hình tim ở gốc, đầu phân thành 2 thùy thuôn tròn nhìn như móng của con bò nên người ta lấy đặc điểm đó làm tên. Mặt trên của lá láng mịn, nổi khá rõ các gân, mặt dưới có một lớp lông tơ phủ kín.
Thuộc họ Đậu nên quả móng bò giống như nhiều loại khác, có hình dẹt, dài cỡ 1 gang tay, mỗi quả có chứa 8 – 10 hạt ở trong.
Truyền thuyết hoa ban
Chuyện tình hoa ban trắng
E ấp bên hoa ban trắng. Ảnh: Tường Thành.
Trong kho tàng truyện cổ của người Thái có câu chuyện về sự tích hoa ban trắng. Ngày xửa ngày xưa, ở bản làng nọ có chàng Khum yêu nàng Ban tha thiết. Khum vừa giỏi làm nương vừa có tài săn bắn. Ban có giọng hát ngọt ngào say đắm, lại khéo léo đảm đang việc nhà. Ngang trái thay, cha nàng Ban đã đem gả nàng cho con trai một nhà giàu nhưng lười nhác và có tật gù lưng. Tuyệt vọng, nàng Ban đã chạy sang bản của chàng Khum để cầu cứu. Khi đến nơi, chàng lại theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình buộc vào cầu thang nhà người yêu để báo tin rồi đi tìm chàng. Nàng đi hết ngọn núi này qua cánh rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng. Cuối cùng, nàng kiệt sức ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Từ chỗ nàng nằm xuống mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu sau, loài cây ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, rồi mỗi độ xuân về lại nở hoa trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Sự tích hoa ban hồng
Chuyện xưa kể rằng trước đây hoa ban chỉ có một màu trắng. Thuở ấy khắp 9 châu 10 mường vùng rừng núi Tây Bắc có một vị Lang Cum rất nổi tiếng. Con gái của Lang là nàng Mai đã từ bỏ ngôi vị, lấy một chàng trai con nhà bình thường rồi gia nhập vào đội quân ông Hoàng đi đánh giặc. Khi ông Hoàng thua lớn ở Mạnh Thiên, vợ chồng nàng Mai tuẫn tiết theo chủ tướng dưới gốc một cội ban già. Máu của hai người hòa vào đất, và kỳ lạ thay mùa xuân năm ấy cây ban ra hoa màu hồng đỏ. Từ đó xuất hiện thêm một loài hoa ban nữa nơi vùng cao.
Loài hoa quý của dân tộc Thái
Theo tiếng Thái, hoa ban nghĩa là hoa ngọt. Hoa ban nở rộ vào đầu tháng ba, trụ được một tháng đến đầu tháng tư thì bắt đầu tàn. Bà con dân tộc Thái theo đó mà phát nương lúc hoa nở rồi tra hạt lúc hoa tàn. Năm nào hoa ban nở khắp núi đồi sông suối thì thời tiết thuận lợi, báo hiệu một năm mùa màng tươi tốt. Hoa ban tượng trưng cho sự may mắn, lòng hiếu thảo nên thường được trưng trong nhà để cầu mong sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Người con gái Thái cũng hay cài hoa ban lên tóc để cầu may và sống lâu trăm tuổi đến khi tóc bạc như màu trắng hoa ban. Vào mùa hoa, ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) còn có Hội Xên bản, xên mường (còn gọi là hội hoa ban) được tổ chức để cầu phúc, ước mong cuộc sống bình yên, no ấm.
Ngoài ra, hoa ban còn được sử dụng khá nhiều trong cuộc sống. Cánh hoa, búp hoa chế biến thành món gỏi; thân cây đem luộc để nhuộm gạo nấu xôi; vỏ cây làm thuốc.
Biểu tượng của Hồng Kông
Ở Hồng Kông, hoa ban được gọi là hoa dương tử kinh, hoặc hoa lan Hồng Kông. Hoa ban được chọn làm biểu tượng của vùng đất này vào ngày 20/1/1995. Trên nền đỏ, hoa ban được thể hiện theo hình lốc xoáy. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ các họa tiết xoắn ốc mang lại may mắn trong nghệ thuật cắt giấy của Trung Quốc, rồi sắp xếp năm cánh hoa ban giống như một cối xay gió, kết hợp các chuyển động để tượng trưng cho việc Hồng Kông là một thành phố năng động không bao giờ ngừng tiến về phía trước.
Ngắm hoa ban ở đâu
Hoa ban là loài dễ chịu nên được trồng khắp nơi ở nước mình. Xét về đặc tính sinh học thì hoa ban màu hồng tím dễ tính hơn, ra hoa quanh năm. Ở Quy Nhơn, hoa ban được trồng rải rác khắp nơi ở khu dân cư. Còn nếu trồng tập trung thì khu vực quảng trường trước siêu thị Co-opmart là nơi trồng khá nhiều.
Hoa ban ở bãi cỏ trước Co-opmart.
Địa điểm thứ 2 là đường vào nhà 15 tầng của Trường ĐH Quy Nhơn. Tuy nhiên do ở miền Trung mưa nhiều, độ ẩm cao nên cây không thay lá hết, vì vậy khi ra hoa không rợp như ở xứ lạnh.
Ở góc xa xa của bức ảnh, bạn có nhìn thấy biểu tượng quen thuộc nơi cổng trường QNU ?
Tầm tháng 2, tháng 3 là mùa hoa ban trắng. Tại Hà Nội, trên các đường Nguyễn Du, Điện Biên Phủ, Trần Duy Hưng, Trần Phú, Thanh Niên đều nở rộ hoa ban, nhưng đoạn đường Bắc Sơn giao với đường Hoàng Diệu là nơi thu hút nhiều góc máy đẹp nhất. Cũng mùa này ở Đà Lạt, ngước nhìn lên cao là thấy những cánh trắng hoa ban đang chao nghiêng trong gió. Từ giữa tháng 3, hoa ban cũng bắt đầu e ấp khoe dáng khắp rừng núi, bản làng Điện Biên.
Một rặng hoa ban sau lưng tượng đài Lênin ở công viên Lênin, số 28A đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |