Bạn sợ ma không? Tui thì rất sợ. Nhưng so với mấy con ma trong ảo giác đó, tui càng sợ bóng ma ngoài đời thực hơn. Đó là ghosting – khi một người biến mất đột ngột trong một mối quan hệ. Với tui, ghosting thực sự là điều tàn nhẫn trong tình cảm. Thậm chí nó còn nằm trong top các cách cắt đứt với người khác, dù đó là đôi lứa, bạn bè hay bất kỳ kiểu quan hệ nào.
1. Chúng ta không thuộc về nhau
Con Mơ và con Tưởng từng chơi với nhau cũng hơi lâu lâu. Một ngày đẹp trời nọ, con Mơ lơ con Tưởng. Không nhìn, không nói chuyện, cắt mọi liên lạc dù 2 đứa vẫn chạm mặt nhau. Con Tưởng dường như hoàn toàn vô hình trước Mơ. Tưởng chưng hửng, không hiểu lý do nên nghĩ chắc có lúc nào đó nó vô tình làm Mơ giận. Đến sinh nhật Mơ, Tưởng hì hụi chọn món quà bạn mình thích rồi lóc cóc đạp xe tới nhà gửi. Mơ vẫn chẳng nói gì. Một ngày đẹp trời khác, sau nhiều ngày xoắn não để tìm ra nguyên nhân mà vẫn bí rị, Tưởng viết thư cho Mơ hỏi lý do. Nó nhận được câu trả lời ráo hoảnh “Mình không hợp nhau, quan điểm trái chiều. Chốt kèo, bùm mày ra”. Con Tưởng dùng hết 7749 tế bào nơron thần kinh cũng không nghĩ được trái là trái chỗ nào mà bị nghỉ chơi một cách lãng nhách vậy. Còn Mơ thì cứ thần thần bí bí và biến mất trong mối quan hệ đã từng tốt đẹp ấy.
2. Im lặng là vàng
Ở ngôi làng nọ, gia đình chim Sáo sống trong một căn nhà nhỏ. Ở cái tuổi hiếu động của mình, Sáo con khá nghịch ngợm. Nhiều lần, khi Sáo con không nghe lời, ba mẹ nó lại nhốt nó ở ngoài cửa phòng, mặc cho nó khóc lóc. Có lúc quá tức giận, cả ngày trời Sáo mẹ lạnh nhạt với đứa con mặc kệ nó lân la tìm mọi cách làm lành. Mỗi lần giữ im lặng như thế là Sáo mẹ hả hê lắm, vì nó thấy mình thật có oai với con, vì con mình phụ thuộc vào nó, vì lòng tự ái của nó được ve vuốt.
Ở ngôi làng khác, thằng Chích Chòe và con Cò hẹn hò đã được vài tháng. Lúc 2 đứa xung đột, thằng Chích Chòe không thèm hát “Giận em” như cô bé thí sinh trong cuộc thi âm nhạc Tèn tén ten nào đó. Nó đơn giản là không chở con Cò đi chơi nữa, cũng chẳng thèm nói chuyện nửa câu với Cò. Mọi tin nhắn gửi đến đều rơi tõm vào hư không. Chỉ khi nào Cò năn nỉ ỉ ôi, nhắn tin xin lỗi rối rít thì Chòe mới chịu xuống nước.
Tính ra, con Sáo mẹ và thằng Chòe có một điểm chung. Đó là tụi nó luôn khinh khỉnh “im lặng là vàng” để biện hộ cho cách thể hiện quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình lên đối phương.
3. Ghosting là gì?
Cái cách phớt lờ, thờ ơ của con Sáo mẹ, thằng Chích Chòe và con Mơ chính là ví dụ của bạo hành lạnh (Cold violence). Đó là việc người này giảm việc tương tác xuống mức thấp nhất, thậm chí là dừng giao tiếp với người kia, dù 2 bên vốn thân nhau. Mà nếu lạnh quá, lạnh kéo dài, lạnh lâu ngày thì sẽ chuyển thành viêm phổi, à nhầm ghosting.
Ghosting xảy ra trong những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè, yêu đương. Ghosting là tình trạng một người nào đó lặn không sủi tăm, không có bất kỳ lời nhắn nhủ giải thích nào với người còn lại. Họ giống như bóng ma biến mất khỏi cuộc sống của người kia, có lẽ vậy nên mới gọi là “ghosting”.
Có người nói rằng ghosting chỉ là tạm dừng lại để có thêm thời gian suy nghĩ cho thấu đáo; nghĩ xong rồi thì sẽ quay lại tất tay sau. Khác nhen, ghosting là “bơ đẹp” luôn và cái đường quay lại nó mờ mịt như tiền đồ của chị Dậu vậy.
Cũng có người nói ghosting là chiến tranh lạnh. Vẫn khác nhen, chiến tranh lạnh là bên nào cũng lạnh ngắt, bên này im thì bên kia cũng im để đáp trả. Còn ghosting thì chỉ là một chiều vì người bị ghost luôn cố gắng hàn gắn nhưng bên kia vẫn đóng kín cánh cửa. Nghĩa là, cán cân quyền lực đang nghiêng về phía “ghost”. Nói một cách dễ hiểu, nó gần như là đơn phương chấm dứt một mối quan hệ.
4. Một người đi trốn, một người đi tìm
Ghosting giống như trò chơi ú òa, nhưng đây chỉ ú chứ không có òa. Vậy tại sao người ta lại thích đặt dấu chấm hết trong quan hệ mà không nỡ báo một tiếng, chỉ lặng thinh bỏ đi, trong khi người kia vẫn mải miết tìm cách liên lạc?
Những người tạo ra “ghosting” thường là người thích ở “cơ trên”, hoặc nhiều lần được người khác nhường cơ trong các mối quan hệ. Vì vậy, họ quen với nếp nghĩ mình là đúng. Vì thế, nếu có những bất hòa xảy ra thì người có lỗi không phải là họ. Do đó, họ hành xử như thế nào thì cũng đều hợp tình hợp lý, thậm chí nếu bấm nút quay xe cũng là lẽ đương nhiên.
Một vài người khác lại cho rằng việc chủ động ghosting đã là sự nhường nhịn, xuống nước. Theo họ, rõ ràng là đối phương có lỗi; bản thân mình không chấp nên mới chọn cách bỏ đi. Họ thường nghĩ “Hứ, ta đây không thèm nói chuyện đã là rất lịch sự rồi”. Người kia sẽ tự hiểu rằng mối quan hệ này không còn giá trị nữa, vì thế khỏi cần giữ liên lạc.
Một số người khác chọn ghosting vì e ngại mình là người thua. Họ không muốn trực tiếp giải thích, không chọn cách thành thật với vấn đề vì ngại rằng mình mới là người có lỗi. Họ muốn thể hiện sự mạnh mẽ của bản thân, không muốn có cảm giác bị thương xót. Do đó, biến mất sẽ là có lợi nhất với họ.
Thậm chí dạo này, người ta lại hay nói theo kiểu “Có duyên sẽ gặp nhau”, bởi vậy hết duyên thì sẽ tách nhau ra. Nên cái chuyện ghosting là chuyện định mệnh trời sắp đặt rồi, miễn ý kiến. Tui thì không tin vào số má, chỉ là thấy thật tội nghiệp khi ông trời hay bị lôi ra làm lá chắn cho những câu chuyện ố dề của con người.
Tui cứ thắc mắc rằng không biết họ yêu bản thân đến mức độ nào mà nhẫn tâm gây tổn thương cho người khác chỉ để chấm dứt quan hệ. Thật ra, tui nghĩ mấy người này là mấy người nhát ké và hành vi ghosting là sự vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng bạn bè và người thân mình. Họ không dám nhìn trực diện vào bản thân mình, cũng không thẳng thắn đối mặt với đối phương để xem mình đúng hay sai ở chỗ nào. Họ sẵn sàng rũ bỏ những tình cảm, tâm sức của cả 2 trước đó để nâng cao sự tự sướng của mình. Túm tóm lại, ghosting là hành vi độc hại trong mối quan hệ và cảm xúc.
5. Gáo nước lạnh
Ghosting có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản cho người bỏ đi, nhưng nó khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt người khác. Từ một mối quan hệ đang yên lành mà kết thúc đột ngột khó tránh khỏi gây đau đớn cho người ở lại. Không chỉ là người bị động mà người bị ghost còn thường hay tự dằn vặt và đổ lỗi cho bản thân. Tại sao vậy? Họ nghỉ chơi mình ư? Mình đã làm sai điều gì? Phải chăng mình không tốt? Có thể giải thích hay níu kéo được không? Không được nghĩ xấu cho họ, có khi nào họ gặp khủng hoảng đến mức không thể nói với mình hay không?
Những cảm xúc tiêu cực cũng theo đó mà tràn tới. “Tại sao mình lại không hiểu họ”. “Mình thật tệ, mình không đủ độ tin cậy để họ có thể tâm sự với mình”. “Mình thật vô giá trị khi không thể giữ lại mối quan hệ này”. “Mình không đáng được yêu thương”. Ban đầu chỉ là khó hiểu, dần dà sẽ là tự trách cứ bản thân, tự làm tổn thương chính mình. Trí tưởng tượng càng lên ngôi theo hướng bi quan, lòng tự trọng của họ càng bị sụt giảm.
Nếu bị bóng ma này ám ảnh, bạn nên làm gì? Thật khó để đưa ra câu trả lời vì mỗi người sẽ có cảm nhận và cách xử lý khác nhau. Chắc chắn bạn phải trải qua khoảng thời gian tự trách. Nhưng sau đó, nếu vẫn còn bị tổn thương bởi “ghosting”, bạn phải học cách QUÊN và NHỚ. QUÊN đi việc cố gắng tiếp cận họ để hàn gắn vì vốn dĩ không ai vỗ tay bằng một bàn tay. NHỚ rằng, nếu người ta chọn cách quay ngoắt đi trong im lặng thì lỗi không còn là của bạn nữa – nếu có. NHỚ rằng, đừng mãi giận hờn họ vì chí ít họ cũng từng tốt với mình. NHỚ rằng, đừng vì ai đó không tốt mà bạn trở nên chai sạn. NHỚ rằng, dù gì đi nữa, bạn vẫn phải yêu thương chính mình và tôn trọng bản thân.
Để kết
10 tuổi, tui hờn dỗi ra mặt khi ai đó không thích tui. 20 tuổi, tui khóc thầm khi người ta giận tui. 30 tuổi, tui nghĩ rằng làm gì có ai xấu, chỉ là họ không tốt với mình mà thôi. 40 tuổi, tui bật nút quên khi người ta làm đau mình. Vậy tui có buồn không? Buồn chứ, dằn vặt bản thân đủ các kiểu chứ; nhưng buồn không làm no bụng được, không soạn bài thay được, không đi chơi giùm được. Vậy thì, buồn chút chơi thôi.
Cuối cùng thì mọi việc lại về như cũ, trái đất vẫn quay. Chỉ có thêm vết xước cho những người trong cuộc.
Nhưng ghost à, vậy là zui dữ chưa?
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |