Hẹn gặp lại nhau giữa mùa phượng tím

Lần đầu tiên tui gặp phượng tím là đã cuối mùa. Hoa chỉ còn ở một số cây trước chợ đêm Đà Lạt. May mắn là trong mùa hoa nở muộn đó, phượng tím vẫn còn kha khá, nhưng những đám lá non cũng kịp ra kín cây, che hoa lại như muốn giấu người đẹp trong lầu cao. Chùm hoa tím vén mớ lá lòa xòa, ló mặt ra nhìn du khách qua đường, chừng như thắc mắc: “Chu, bà bé đó lùn chũn, không biết có với tới để chụp được không”. À ừm, người được nhắc tới đương nhiên là tui. Đã thế, cứ mỗi lần tui lấy nét xong xuôi thì mụ gió chu mỏ thổi cái phù, đám phượng lại ngả ngớn hùa theo. Bức ảnh chỉ còn một màu xanh tím nhòe nhoẹt. Tui đã cố leo lên các bệ xi măng, nhón chân tựa vào thành ghế đá, hết cả hơi mới chụp được vài tấm ra hồn. Ấy thế mà lố ảnh đó đã đi theo ổ cứng đăng xuất sạch sẽ, buồn ơi là sầu.

Lần thứ hai gặp ẻm là dịp đầu mùa. Đà Lạt cuối tháng 2, bầu trời ở nhiều con phố bắt đầu mơ màng sắc tím hoa phượng. Thường là tháng 3 mới chính thức vào mùa nên hoa chưa đồng loạt nở rộ khắp nơi, nhưng chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để say lòng người lữ khách.

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ nên để đưa phượng tím về Việt Nam không phải là một hành trình dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp trường Canh nông ở Versailles (Pháp), trong hành trang về nước năm 1962 kỹ sư nông học Lương Văn Sáu đã mang theo những hạt giống phượng tím. Cần mẫn gieo trồng, chăm sóc và cây đầu tiên đã nở hoa ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt). Điều quan trọng là cây có hoa nhưng không đậu quả, không thể sinh sản tự nhiên. Nguyên nhân là vì kiểu hoa hình chuông nên nếu muốn thụ phấn phượng tím cần những chú chim mỏ cong đưa phấn vào sâu trong đài hoa; tiếc là Việt Nam không có loài chim này. Lại thêm một chuỗi những ngày dài nghiên cứu, ông đã thành công với phương pháp chiết cành. Sau này, công nghệ sinh học càng phát triển, phượng tím ngày càng được trồng nhiều hơn.

Phượng tím được trồng hai hàng trước chợ đêm Đà Lạt, nhìn từ vòng xoay Đài phun nước.

Quanh hồ Xuân Hương, dọc đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Phù Đổng Thiên Vương, thiền viện Trúc Lâm, thung lũng Tình yêu, đường lên đồi Robin, trên nhiều tuyến phố và quen thuộc nhất là trước chợ Đà Lạt… người ta đều có thể chiêm ngưỡng sắc tím hoa phượng. Xuất phát là một loài cây di thực nhưng giờ đây phượng tím đã trở thành biểu tượng lãng mạn của Đà Lạt mỗi độ tháng 3 về.

Phượng tím trên đường Hùng Vương. Ảnh: Kim Anh


Phượng tím tháng 3 nghiêng mình soi bóng nước hồ Xuân Hương, Đà Lạt (ảnh trái). Phượng vẫn tím giữa trời tháng 5 trên Quốc lộ 40, đường lên cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum (ảnh phải).

Phượng tím đầu con dốc vào tiệm Túi Mơ To (Hẻm 31 Sào Nam, phường 11, Tp. Đà Lạt). Ảnh: Đình Duy.

Cũng không biết ai là người gọi tên cây phượng tím, vì so ra nó chỉ giống cây phượng vĩ mùa hè ở chiếc lá kép lông chim, còn hoa thì khác một trời một vực. Cây phượng vĩ thuộc họ Đậu (Fabaceae), còn phượng tím thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae) với tên khoa học là là Jacaranda Mimosifolia.

Phượng tím trong sân ga Đà Lạt.

Nhiều du khách tranh thủ chụp với mùa phượng tím nở. Ảnh: Kim Chi.

Hoa phượng tím nở thành chùm ở đầu cành, mỗi bông dài chừng 4-5cm, nhìn như những quả chuông nhỏ đang đong đưa. Mỗi lần nở, hoa ken dày, một số cây lại rụng lá vào mùa hoa nên nhìn từ xa chỉ một màu tím ngắt. Nụ rất nhiều và nở liên tục, hết lớp này đến lớp khác nên những cành hoa cứ trĩu xuống, kéo dài mùa hoa đến 1 2 tháng. Điểm thú vị là hoa phượng tím không tuyền một màu tím mà có pha sọc xanh lốm đốm. Vì vậy, tùy theo góc nhìn mà người ta thấy phượng tím biếc, hoặc màu lam tím nhẹ nhàng.

Dường như đôi giày của tui cũng tím theo sắc phượng rơi.

Trong một ngày nắng ngọt ngào rót mật, gió nhẹ lung lay, sắc phượng tím càng thêm níu chân du khách bằng vẻ đẹp dịu dàng của mình. Nếu những chiếc giỏ xe chở đầy sắc đỏ phượng vĩ làm ngẩn ngơ bao tình cảm e ấp tuổi học trò thì phượng tím là nỗi nhớ nhung đong đầy sao khó nói thành lời, là cái nũng nịu của thiếu nữ đang say trong men yêu.

Phượng tím dù giữa ban đêm hay ban ngày thì vẫn cuốn hút.

Tháng 3 đến rồi, bạn có hẹn với phượng tím chưa?

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *