Check VAR sao kê và câu chuyện thông tin bất cân xứng

Tuần vừa qua, rất nhiều người trở thành những chuyên gia check Var, đương nhiên tui không nói về Var trên sân cỏ rồi. Tui tin “Sao kê” là từ khóa hot nhất tháng 9 này khi tối ngày 12/9, hơn 12 nghìn trang sao kê tài khoản ngân hàng các khoản ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Bắc nước ta được tung ra. Trên trời là bão Yagi, còn trên mạng là bão Sao kê. Nếu nhìn ở góc độ Tài chính công, đây là ví dụ khá rõ nét cho một trong các loại thất bại thị trường: THÔNG TIN BẤT CÂN XỨNG.

Thông tin bất cân xứng

Thông tin bất cân xứng (Asymmetric information) là tình trạng một bên trong giao dịch có nhiều thông tin hơn hoặc thông tin tốt hơn bên còn lại. Hay nói một cách khác, thông tin mà mỗi bên nhận được không tương xứng với nhau, gây ra lợi hoặc hại cho các bên. Hiển nhiên, bên nào có ít thông tin hơn thì sẽ bất lợi hơn vì không đủ cơ sở để đưa ra quyết định một cách tốt nhất.

Vấn đề này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau; chẳng hạn người bán biết rõ đặc điểm sản phẩm hơn người mua, người lao động hiểu rõ về kỹ năng và khả năng của họ hơn ông chủ, người đi vay biết rõ khả năng trả nợ của mình hơn người cho vay.

Hệ quả

Hệ quả của tình trạng thông tin bất cân xứng là vấn đề lựa chọn ngược, rủi ro đạo đức và tâm lý ỷ lại, người ủy quyền và người thừa hành. Đó là nói theo lý thuyết kinh tế, còn trong thực tế cái mất rõ ràng nhất là “mất niềm tin”.

Sau nhiều vụ lùm xùm về từ thiện trong cơn bão lũ ở miền Trung năm 2020, nhiều người đâm ra nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động này. Cứ hễ ai đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện là sẽ có nhiều mũi dùi chĩa về phía họ, cho dù đó là cơ quan Nhà nước. Nhận được bao nhiêu tiền, chi tiêu như thế nào, có rõ ràng hay không…là những câu hỏi thường xuyên được đặt ra. Từ những con số quyên góp rầm rộ được khoe trên mạng với con số mà Mặt trận tổ quốc Việt Nam thông báo nhận được – vẫn có thắc mắc “liệu cơ quan nhà nước có ém bớt số thu về?”. Dư luận cho rằng họ bị yếu thế hơn trong việc nắm được thông tin về số tiền từ thiện và hoạt động chi tiêu. Từ sự bất cân xứng thông tin đó, dần dà họ mất niềm tin về tính minh bạch của hoạt động từ thiện.

Thanh giả tự thanh

Vậy giải pháp cho thông tin bất cân xứng là gì? Sai ở đâu thì sửa ở đó; nếu thông tin bất cân xứng thì mình cung cấp thêm cho đầy đủ thông tin giữa các bên. Trong kinh tế học, “Phát tín hiệu (signaling)” là một trong các cách khắc phục hiện tượng này. Cụ thể, bên nhiều thông tin sẽ phát tín hiệu đến bên ít thông tin một cách trung thực, đáng tin cậy.

Muốn thì chơi tới luôn. Tối 12/9 MTTQ đã bất ngờ công bố danh sách sao kê mà không có động thái nhá xèng nào trước đó. Quả là một pha làm bàn cực dính để chứng minh sự minh bạch của nhà nước, dập tắt những tin đồn vô căn cứ. Hơn nữa, thật sự nếu cứ tin theo nhiều tấm bill chuyển khoản được đăng trên mạng thì không biết cơ quan nhà nước phải lấy đâu để bù vào con số ủng hộ đã bị đội lên gấp nhiều lần qua bàn tay phù phép của các mạnh thường quân online.

Hàng loạt những lời bình luận khen ngợi hành động này của MTTQ đã lan tỏa từ trên mạng đến ngoài đời. Cũng đêm hôm đó cõi mạng rần rần đi check VAR các khoản ủng hộ. Tui không biết nếu để qua ngày hôm sau, tức là thứ 6 ngày 13 – thường hay được xem là ngày xui xẻo, mới công bố thì có thêm scandal nào nữa không chứ riêng tối 12 là quá trời chuyện hài được banh chành rồi.

Hết cơ hội cho dàn “phông bạt”

Một bộ phận những người ưa làm màu đã tranh thủ dịp từ thiện này để đánh bóng tên tuổi cá nhân. Con số ủng hộ thực sự là bao nhiêu sẽ được ém nhẹm hoàn toàn, chỉ có trời biết, đất biết, ngân hàng biết và chủ tài khoản biết. Cỡ như tui và bạn làm sao biết được. Chúng ta cũng như các cư dân mạng khác chỉ có thể trầm trồ ngưỡng mộ với các bill ủng hộ chục triệu, trăm triệu đồng. Thông tin hoàn toàn bất cân xứng với lợi thế thuộc về dàn “phông bạt”.

Ai có ngờ nước cờ cao tay của MTTQ đã bóc trần các pha khoe mẽ kia, khi số tiền thực sự được ủng hộ thấp hơn vài ba con số 0. Từ 10.000đ, 50.000đ, 100.000đ chuyển thực tế được hô biến thành 10.000.000đ, 50.000.000đ, 100.000.000đ khi khoe trên facebook. Cõi mạng đã cực kỳ lanh lẹ trong việc check Var khoản này. Nhiều người nổi tiếng lặng lẽ xóa bài hoặc ẩn trang cá nhân sau khi bị phát hiện số tiền ủng hộ chỉ là sản phẩm của photoshop. Chà chà, “quê là quê là quê chúng mình quê nhiều” nha mấy anh chị màu mè ơi.

Đứng từ góc độ pháp lý, việc công khai sao kê là thực hiện theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Đứng từ góc nhìn Tài chính công, đây vừa là cách để hạn chế tình trạng bất cân xứng thông tin, vừa khắc phục hậu quả của nó khi đã góp phần củng cố lại niềm tin của người dân vào khu vực công.

Đọc thêm: Bất cân xứng thông tin trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế ở Việt Nam

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *