Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mà còn có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn cực kỳ. Mời bạn cùng ghé nơi đây, thưởng thức một cách kết hợp giữa bún với hải sản mà chỉ Quảng Ninh mới có: bún cù kỳ và bún bề bề.
Cù kỳ cùng họ với cua, có tên khác là cồm cộm, cùm vùm. Người ta còn gọi nó là cua sấm (thunder crab) vì càng nó kẹp rất chắc, chỉ buông đối phương khi nghe tiếng sấm. Chúng thường sinh trưởng ở vùng biển ấm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa nhưng cù kỳ ở xứ than là phân bố nhiều và ngon hơn cả. Loài này có mai màu nâu, mắt xanh lá cây, di chuyển chậm chạp. Nhờ đôi càng to khỏe, phát triển lớn hơn hẳn so với kích thước cơ thể, cù kỳ bám rất chắc vào những hốc đá, hang đá, kè chắn sóng, các khu rừng ngập mặn. Cù kỳ không ngọt bằng cua và có phần khô hơn nhưng phần thịt vẫn thơm ngon, ăn không bị ngán. Khi chế biến, chủ yếu dùng phần càng vì nhiều thịt, chắc và ngọt, còn phần thân nhỏ, xốp, rất ít thịt nên khó gỡ và cũng không ngon bằng.
Để làm bún, người ta thường chọn những con cù kỳ cỡ vừa, vì nhỏ quá thì khó lấy thịt, mà to quá thì nặng vỏ và đắt tiền. Toàn bộ con cù kỳ đều được tận dụng để chế biến thành món bún đặc sản này: càng lấy thịt, gạch làm riêu, thân nấu nước. Chỉ từ nguyên liệu chính là cù kỳ, nhưng mỗi người đầu bếp lại có cách gia giảm gia vị khác nhau, tạo nên bí quyết riêng để giữ chân thực khách. Trong đó quan trọng nhất là thành phần và cách nêm nếm nồi nước dùng. Nước chủ yếu nấu từ thân cù kỳ xay nhuyễn và lọc bỏ bã, cùng với một số loại hải sản, tôm khô, mực khô cho đậm đà, có thể thêm ít xương nhưng không nhiều. Cà chua, giấm bỗng cũng được thêm vào giúp nước dùng ngọt dịu, có vị chua nhẹ thanh thanh. Gạch phi thơm với hành và gia vị để làm riêu. Vị ngọt của nước bún hoàn toàn là từ cù kỳ và hải sản, lại thoảng mùi gạch nên rất hấp dẫn, ngọt thanh, không quá béo như nước hầm xương thông thường. Điều cốt yếu là hải sản càng tươi mới thì nước dùng càng ngọt thơm, đậm đà vị biển.
Càng cù kỳ hấp chín, nhẹ nhàng gỡ lấy thịt sao cho còn nguyên miếng, khi trình bày sẽ đẹp hơn. Nhiều quán thường để lại vỏ một kẹp của càng cho thêm phần điệu đà. Có thể đem xào sơ thịt càng với hành tỏi cho săn, thơm và thấm gia vị. Dầu và gia vị cũng thật ít để không át đi mùi vị đặc trưng của cù kỳ.
Cùng với cù kỳ, bề bề cũng là một đặc sản nổi danh đất mỏ. Bề bề phổ biến hơn so với cù kỳ và được nhiều vùng miền khác quen gọi với cái tên tôm tít, tôm tích. Vì vậy, các quán bún cù kỳ ở đây lúc nào cũng có thêm bún bề bề và cũng là một món ăn cộp mác thương hiệu của Quảng Ninh. Cách chế biến tương tự như cù kỳ và sử dụng chung nồi nước dùng.
Vào quán bún, nếu gọi một tô đầy đủ thì sẽ có càng cù kỳ căng mọng, bề bề được bóc nguyên con, thịt cù kỳ vụn hoặc tôm, tôm bóc nõn, thêm đậu chiên, chả lá lốt, mọc tùy thích. Nguyên liệu không bị chiên xào quá nhiều nên nước dùng khá trong, chỉ có lớp váng vàng sánh từ riêu gạch nổi nhẹ lên trên, rất thanh và không bị ngấy. Tô bún đầy đến ngọn, bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi vị biển cả. Cù kỳ và bề bề tươi rói, ngọt lừ. Hành lá xanh mướt nằm giữa sắc vàng của đậu chiên, trắng nõn của bún, đỏ tươi của cù kỳ và tôm xào, nâu hồng của bề bề rất nổi bật. Cả phần nhìn lẫn phần vị của bún cù kỳ, bề bề đều dễ dàng quyến rũ thực khách ngay từ lần đầu tiên.
Điểm khác biệt nữa là bún cù kỳ còn có thêm rau cải luộc. Bún cũng được dọn kèm rau sống. Trên bàn có sẵn hũ măng tươi ngâm ớt, khách nào thích thì cứ mạnh dạn múc thêm thìa măng cho vào, vừa chua vừa cay, giòn sần sật, ngon xé lưỡi.
Bây giờ bún cù kỳ đã được có mặt một số địa phương khác. Nhưng chỉ khi đến Quảng Ninh, thử tô bún tươi ngon trong mùi vị của biển thì bạn mới có thể cảm nhận đầy đủ nhất độ hấp dẫn của món ăn này.
Giá bán: 40-50 k/tô, yên tâm là tô đầy ngất ngây. Bún bề bề rẻ hơn bún cù kỳ.
Địa chỉ một số quán bún cù kỳ ở thành phố Hạ Long, hầu hết bán buổi sáng. Thành phố Hạ Long được chia thành 2 khu vực chính là Bãi Cháy và Hòn Gai, cách nhau bởi vịnh Cửa Lục và cầu Bãi Cháy. Vì vậy tui sẽ để địa chỉ là Hòn Gai hoặc Bãi Cháy cho bà con dễ tìm hơn hén.
- Bún cù kỳ cô Hậu: ngã ba Nguyễn Hiền – Lê Lai, Hòn Gai, gần Trường mầm non Hạ Long. Trên bảng hiệu của quán để địa chỉ là số 10 Tô Hiến Thành nhưng thật ra quán nằm cách ngã tư Tô Hiến Thành – Nguyễn Hiền gần 100m. Lưu ý là đường Nguyễn Hiền cong cong hình chữ V nhé bạn.
- Bún cù kỳ 268: 268 Giếng Đồn, Hòn Gai. Đường Giếng Đồn còn có một quán bánh bao – mì vằn thắn rất nổi tiếng tên là quán Dũng Oanh nhưng thường được gọi là bánh bao Giếng Đồn.
- Bún cù kỳ Hường Béo: 10-56 Tấn Mài, Bãi Cháy, Hạ Long
- Bún cù kỳ Quốc Huy: khách sạn Công đoàn, Kiot số 3, khu vườn dừa, Bãi Cháy
- Bún cù kỳ Thu Thủy: Khu Sân vườn A 12 Thượng Mai tổ 1b, khu 7, Bãi Cháy, Hạ Long
- Các chợ ở khu Giếng Đồn, Hòn Gai, bán đảo Cái Dăm, Bãi Cháy, Giếng Đáy…
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
Hay quá a, đọc đã thấy ngon
Cảm ơn anh nhiều ạ