Trong mâm cơm của mỗi gia đình Việt, canh chua là một món rất đỗi quen thuộc. Nhất là những ngày nắng nóng hoặc bữa ăn có quá nhiều đạm thì một bát canh chua thanh mát sẽ giúp giải nhiệt, kích thích tiêu hóa. Nguyên liệu để tạo vị chua rất đa dạng, tùy mỗi vùng miền thường dùng một loại khác nhau. Nếu chỉ tính cây trái tự nhiên thì miền Bắc chuộng quả sấu, tai chua, quả dọc; miền Trung có quả me, khế, quả chay, lá giang, lá bụp giấm; miền Nam lại kết thân với trái bần, trái bứa, trái giác, chùm ruột… Và tất nhiên, trong số đó, không thể không kể đến một loại lá nấu canh chua rất bình dị mà tạo hương vị khó quên, đó là lá me.
Cây me rất dễ trồng. Chỉ cần hạt me già rớt xuống đất, không lâu sau sẽ thấy nẩy lên mấy lá mầm be bé, rồi cứ thế lớn dần lên. Lúc nào cây cũng có lộc mới, nhưng rộ nhất là phải chờ khi cơn mưa rào đầu mùa rơi xuống, cả cây me bỗng nhuộm màu xanh mát của lá non. Quơ tay ngang đọt, bứt một nắm lá me non rồi đợi má đi chợ mua cá về, thế là đã đủ nguyên liệu cho món canh mộc mạc này.
Lá me non có thể nấu với cá nục, cá chốt… nhưng mấy đứa nhỏ vẫn thích ăn cá cơm hơn, đơn giản vì nó thuộc loại cá nhỏ, xương mềm, có thể ăn được cả xương mà không sợ bị hóc. Cá cơm có khá nhiều loại, nhỏ nhất, trong suốt và nếu ai không biết dễ tưởng nhầm với cá con là cá cơm mờm; lớn hơn thì có cá cơm than, cơm thường (có sọc trắng bạc dọc thân), cơm sọc tiêu (có sọc ánh bạc dọc hông), cơm đỏ (thân trong, phần bụng ánh đỏ)… Cá cơm chủ yếu ăn sinh vật phù du nên khá sạch, dễ chế biến mà lại giàu dinh dưỡng. Hôm nào lưới mới vào, cá còn tươi óng ánh là má sẽ mua một mớ đem về. Cá có tươi thì thịt mới thơm, canh mới ngọt nước.
Ướp cá với hành tím và chút nước mắm ngon rồi để một lát cho thấm. Để canh dậy mùi, má phi thơm dầu với củ hành lá đập dập rồi đổ nước vào nấu sôi với lửa lớn. Chờ nước sôi già thì trút cá vào để cá khỏi tanh, nhưng không đảo để tránh làm nát cá. Sau đó vò lá me non cùng ít ớt bỏ vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Nước sôi lại thì nêm thêm ít hành ngò cho thơm. Cầu kỳ hơn, có người nấu nồi nước chua riêng, xào cá sơ qua cho thấm rồi mới trút nồi nước chua vào. Có người sẽ cho thêm cà chua, thơm. Nhưng má thích đơn giản và muốn giữ lại hương vị mộc mạc của lá me nên chỉ dùng duy nhất nguyên liệu này. Cách nào cũng được, miễn sao thành quả cuối cùng là một tô canh chua lá me non thơm phức, hấp dẫn.
Xới bát cơm trắng, chan thìa canh vào. Vị chua mát, dịu nhẹ của lá me quyện với cá cơm tươi săn, pha thêm một xíu vị cay cay tê tê của ớt khiến ai nấy cứ hít hà mãi. Đám nhỏ bây giờ đã lên chức bố mẹ, nhưng vẫn thích quơ tay bứt đọt lá me non, rồi chờ má về nấu bữa canh chua ngọt ngào vị quê hương.
– Việt An –
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |