1. Bong bóng hoa tulip (Hà Lan)
Cách đây gần 400 năm, vào thế kỷ 17, sự kiện bong bóng hoa tulip nổ ra ở Hà Lan, phủ một đám mây đen ảm đạm lên nhiều nhà đầu tư của quốc gia này. Đây được xem là khủng hoảng đầu cơ tài sản đầu tiên, khi giá tăng lên liên tục rồi lao dốc một cách kinh khủng. Bằng cách nào mà một loài hoa mềm mại, được xem như là một trong các biểu tượng đặc trưng của quốc gia này lại có thể gây sóng gió đến như vậy?
* Hoa tulip xuất hiện
Ngày xửa ngày xưa, người ta cho rằng hoa tulip có nguồn gốc từ Constantinople (Istanbul), thủ phủ của đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Cuối những năm 1500, có người đã gửi hạt giống hoa tulip cho nhà thực vật học Carolus Clusius ở Hà Lan. Nó nhanh chóng được yêu thích và nhân rộng khắp quốc gia nằm dưới mực nước biển này. Từ khoảng năm 1634, nhu cầu sưu tầm hoa tulip bắt đầu bùng nổ vì nó vừa đẹp vừa đa dạng về màu sắc, chủng loại, khác biệt với các loài hoa bản địa trước đó. Điều quan trọng hơn, với mức giá khá cao, hoa tulip là một trong các dấu ấn cho sự sành điệu của giới nhà giàu. Hoa tulip trở thành chủ đề được bàn tán khắp hang cùng ngõ hẻm khi nhiều người nhanh chóng bắt trend “Hội chứng cuồng hoa Tulip” (Tulipomania). Người người sưu tầm hoa, nhà nhà sưu tầm hoa, giới thượng lưu thể hiện đẳng cấp qua bộ sưu tập hoa và các nhà môi giới hoa ngay lập tức cũng có công ăn việc làm.
Hoạt động đầu cơ hoa tulip lan tràn với niềm tin rằng lòng yêu thích với loài hoa này chỉ có tăng lên chứ không giảm xuống. Nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính, các hợp đồng phái sinh ký quỹ để đầu cơ vào hoa. Hoạt động buôn bán diễn ra thường xuyên ở Sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam, Rotterdam, Harlem và các thị trấn khác.
Hoa thì từ từ nở nhưng người mua kẻ bán thì không đợi được, ban đầu là sưu tầm hoa, sau đó chịu hỏng nổi họ chơi luôn từ củ cho lẹ. Năm 1636 có tin đồn rằng chỉ có đúng 2 cánh hoa Viceroy tại Amsterdam, trong đó mỗi cánh tương đương 2 tấn lúa mạch, 4 tấn lúa mì, 4 con bò sữa…Năm 1637, giá một em củ Switsers (em này khá phổ biến) tăng từ mức 125 florin ở thời điểm ngày 31/12/1636 lên đến lên 1.500 florin vào ngày 03/02/1637, tức là tăng gấp 12 lần, tức là 1100%. Giá hoa tulip nhanh chóng lập hết đỉnh này đến đỉnh khác trên sàn giao dịch hoa, có lúc lên tới 5.400 florin, tương đương 540.000 USD hiện nay. Thậm chí có lúc giá một củ tulip gấp 6 lần thu nhập bình quân hàng năm của một người bình thường.
Góc nhỏ: florin (ký hiệu là ƒ) là đơn vị tiền tệ của Hà Lan, còn được gọi là guilder, hoặc gulden theo tiếng Hà Lan. Đồng florin được dùng trước năm 1999; còn từ 1/1/1999 áp dụng thêm đồng Euro; đến 1/1/2002 thì đồng Euro thay thế hoàn toàn đồng Florin.
Ảnh: Vân Hồ
* Bong bóng nổ cái đùng
Tháng 2/1637, từ trên đỉnh cao, giá hoa tulip đột ngột lao dốc khi người ta bắt đầu bán tống bán tháo loại hoa này. Không ai biết vì sao bong bóng hoa tulip bị xịt khói một cách nhanh chóng đến vậy. Từ tháng 2 đến 1/5/1637, giá củ hoa tulip rớt đài một cách thảm hại, khiến nhiều người giao dịch trên thị trường, kể cả người mua, người bán, nhà môi giới và bảo hiểm đều trắng tay. Cuối năm 1637, bong bóng vỡ tan, giá củ tulip chỉ còn 1% so với trước và còn thấp hơn. Đầu năm 1638, hoa tulip về với mức giá ban đầu.
Có người cho rằng bong bóng có thể bắt đầu từ một thương vụ không thành công ở Haarlem. Người khác lại bảo bong bóng hoa tulip vỡ tan trùng với một đợt dịch bệnh càn quét qua đất nước Hà Lan, người ta lo cho vấn đề sức khỏe nhiều hơn nên không còn mặn mà với thú vui sưu tầm hoa lá cành nữa. Có người nhận ra mức giá hoa tulip cao đến mức vô lý so với giá trị thực của hoa. Cũng có bằng chứng thể hiện rằng quy luật cung cầu đã bị phá vỡ khi các thương nhân cũng trở thành nông dân, tự trồng hoa tulip, nghĩa là cung dần dần vượt qua cầu. Một nguyên nhân nữa không thể bỏ qua là các nhà đầu tư bị vỡ nợ khi chủ yếu trông chờ vào các khoản vay để quay vòng vốn.
Diễn biến giá hoa tulip. Ảnh: sưu tầm
* Phản ứng của nhà cầm quyền
Ngày 27/4 chính phủ liên bang Hà Lan buộc phải lên tiếng nhưng giao cho các quan tòa ở địa phương là người chịu trách nhiệm đưa ra phán quyết cho các tranh chấp liên quan đến bong bóng hoa tulip. Tháng 4/1637, tòa án ra lệnh đình chỉ tạm thời mọi hợp đồng mua bán hoa. Song sự can thiệp khá chậm chạp và có vẻ né tránh. Mãi đến tháng 1/1638, khi tình hình đã bết bát, các thành phố bắt đầu lập ra ủy ban độc lập để can thiệp thì mọi việc mới được giải quyết.
* Tác động của bong bóng hoa tulip
Thật ra, phần lớn giao dịch tập trung ở một số ít người giàu có chứ không phải toàn bộ thương nhân Hà Lan. Thêm vào đó, Hà Lan vốn là cường quốc kinh tế, trung tâm giao thương hàng đầu thế giới vào thế kỷ 17, 18. Kinh doanh hoa tulip không phải là lĩnh vực trọng yếu của kinh tế đất nước nên bong bóng này không làm suy yếu quốc gia. Tuy nhiên,
Bong bóng hoa tulip là một minh chứng điển hình cho việc xem giá trị thị trường lớn hơn giá trị nội tại của tài sản một cách vô lý.
2. Lan đột biến
Nếu bên trời Âu có hoa tulip thì bên Việt Nam cũng từng xảy ra cơn sốt lan đột biến gen (lan var) với cách thức tương tự. Đây là loại lan “đo cây tính tiền” khi giá cả chủ yếu dựa vào chiều dài thân hoa.
Hình ảnh chỉ minh họa cho một loài hoa lan, không liên quan gì lan đột biến nhé. Ảnh: Q.Giao
* Khởi phát thị trường lan đột biến
Từ năm 2017, ông Nguyễn Văn Hoạt, chủ một vườn lan tiền tỷ ở Hà Nội cho biết mình sở hữu những giò lan đột biến với mức giá lên tới cả trăm triệu. Giữa năm 2018, dân tình xôn xáo khi một giò lan đột biến có giá 700 triệu đồng từ ông chủ ở Huế bán cho khách hàng ở Hải Phòng. Càng về sau, mức giá giao dịch lan đột biến liên tục bị xô đổ, từ 1.1 tỷ (lan Bướm đại ngàn) lên 2.7 tỷ (cây lan phi điệp Bảo Duy có 5 cánh trắng), 7 tỷ (cây lan Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng). Thậm chí, ngày 10/6/2020 có thông tin 3 chậu lan đột biến ở Bình Phước được chuyển nhượng với giá gần 32 tỷ đồng (1 cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng giá 9,9 tỷ đồng, một cây Da Vàng giá 10 tỷ đồng). Chưa dừng ở đó, có chậu Juliet dài khoảng 20-30cm được rao bán với con số 83 tỷ đồng.
Tới đoạn đây thì hẳn nhiều người phải thốt lên “Ghê chưa ghê chưa”. Tui cũng thấy thật ghê khi người ta ném tiền qua cửa sổ (chả biết có phải rửa tiền không) chỉ để chơi lan. Có người còn chơi liều mua “lúa non”, tức là đã đặt cọc vài trăm triệu đồng để mua lan dù chưa thấy mặt mũi hình dáng nó ra sao.
Đương nhiên đây trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo. Hàng loạt hình ảnh vườn lan đột biến cùng thương vụ bạc tỉ được đưa ra để dụ dỗ nhà đầu tư non trẻ.
* Bong bóng lại vỡ
Nhiều người theo đuổi phi vụ lan đột biến đã thu được cả nửa tỷ đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng, dù chỉ mới đầu tư vài cây. Con số chốt lời quá cao khiến nhiều người đổ xô vào thị trường lan đột biến. Đương nhiên, vay nợ là cách nhanh nhất để kiếm đủ vốn đầu cơ. Khi cơn sốt lên đỉnh cao, lan đột biến bắt đầu lao dốc. Giữa năm 2022, thị trường lan đột biến trầm lắng và năm 2023 xuống đáy. Giá cả rớt còn 1 phần nghìn so với lúc sốt.
Nhiều người đã dấn thân vào cuộc chơi lan đột biến tiền tỷ giờ cay đắng với số nợ ngập đầu do rót vốn đầu tư trên trời nhưng hiện tại giá cả dưới đất. Tài sản, sổ đỏ được cầm cố để chơi lan giờ mất trắng. Người lướt sóng thì khỏi phải nói về độ đau khổ; mà cả nhiều chủ trang trại, ruộng vườn đầy đủ, tài khoản tiết kiệm cả chục tỷ đồng cũng rơi vào cảnh khốn khó. Trong đó có cả những người nhẹ dạ cả tin đã bị các kẻ lừa đảo “úp sọt”, ôm tiền bỏ trốn.
Giữa năm 2022, hoa bạch hải đường cũng được tô vẽ để làm một vụ tương tự nhưng chắc có lẽ bà con đã trang bị kinh nghiệm đầy mình nên nhanh chóng cảnh giác trước những chiêu trò làm màu của một vài nhà đầu cơ.
3. Bong bóng hoa và tài chính hành vi
Dưới góc nhìn của tài chính hành vi, các bong bóng hoa kể trên là ví dụ điển hình về các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến thị trường.
Neo và điều chỉnh: Có một thời gian, hoa tulip hay lan đột biến được coi là hình ảnh của sự sành điệu, hợp xu thế và đằng sau đó là sự giàu có. Vì thế, người ta thường tặc lưỡi ghen tị với những ai sở hữu các loại hoa này. Sản phẩm càng đắt thì càng có giá trị. Bám víu vào nhận định đó, người sau cứ tăng giá so với người trước. Ngoài ra, họ cũng muốn tăng giá và chốt giao dịch cho lẹ, nhằm hớt tay trên của các đối thủ còn lại. Việc liên tục điều chỉnh giá như này dần dà góp phần khiến giá bán bị thổi phồng lên so với giá trị thực. Và lẽ thường tình, nếu mới vô mà hát “Đã sai từ lúc đầu” thì câu kết dễ là “Thôi rồi còn chi đâu em ơi” lắm lận.
Quá tự tin (over confidence): Nhiều nhà đầu tư dù mới chập chững bước vào thị trường nhưng để tỏ ra không bị yếu thế trước đối thủ trên bàn thương lượng, họ phải gồng để chứng tỏ “đầu mình đầy sạn”. Hoặc cũng có khi họ tự tin thật sự. Điều này sẽ được củng cố nếu những thương vụ ban đầu thành công. Tâm lý quá tự tin dễ khiến họ mờ mắt và đưa ra các phán đoán sai, vung tay đầu tư quá trớn bằng cách vay mượn, sử dụng đòn bẩy tài chính để tìm kiếm nguồn vốn. Thậm chí đã lỗ rồi nhưng vì muốn gỡ gạc với hy vọng “ngày mai trời lại sáng” mà họ cứ đâm lao thì phải theo lao.
Trí tuệ đám đông: Ông bà mình hay càm ràm “9 người 10 ý”, nhưng cũng khuyên “nhiều cái đầu phải hơn một cái đầu”. Đó là bởi người ta hay nghĩ rằng đa số sẽ thông minh hơn thiểu số. Trong kinh tế học hành vi, hiện tượng này được gọi tên là “trí tuệ đám đông”. Đám đông khá giỏi trong việc nhận thức và giải quyết các vấn đề cụ thể, ví dụ có nên mon men tìm hiểu về lan đột biến không, có nên thử tham gia vào thị trường không, có nên mua củ hoa tulip này không… Chính xác hơn, đám đông giỏi trong việc đưa ra gợi ý. Bằng chứng là bạn cứ ra quán nước bất kỳ sẽ thấy các bác chém phập phập về chuyện thời sự thế giới. Nếu bạn là nhà đầu tư già dặn và đủ tỉnh táo, đám đông có thể không ảnh hưởng tới bạn. Nhưng nếu bạn là người mới hoặc đang lung lay trước ngã ba đường thì trí tuệ đám đông hẳn sẽ là yếu tố ảnh hưởng khá kinh đấy.
Hiệu ứng đám đông: người mua và người bán bị kéo vào cảm xúc và tâm lý đám đông. Sự tăng giá ban đầu của các dòng sản phẩm đã tạo ra sự hưng phấn và hứng thú tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Một người, 2 người và dần dần khá đông thành phần cùng tham gia vào thị trường. Ban đầu chỉ mua đi bán lại nhằm hưởng chênh lệch, sau đó là tham gia trồng để buôn tận gốc bán tận ngọn. Các con số lời khủng khiến nhiều người lao vào mà không cân nhắc, đánh giá đúng giá trị thực của sản phẩm. Có điều là hiệu ứng đám đông lôi kéo người ta vào cuộc một cách nhanh chóng như thế nào thì cũng khiến họ rã đám với tốc độ như thế ấy. Khi thị trường chớm chững lại, sự hoang mang được lan truyền theo cấp số nhân và kéo theo hàng loạt nhà đầu tư rời bỏ thị trường, khiến giá bán hoa lao dốc khủng khiếp và bong bóng vỡ là điều tất yếu.
Mà nghĩ lại, phong lan hay tulip đều là những loài hoa đẹp nên mới có sức làm điên đảo thị trường đến vậy. Cũng như mấy nhỏ đặc biệt, ấn tượng thì mới có nhiều người mê, chứ cứ lẹt quẹt như mấy bà mắc cỡ này thì ai ngó tới. Mà biết đâu đấy, một ngày nào đó có khi mắc cỡ lên ngôi, như thị trường Việt đã từng lao đao với ốc bươu vàng, móng trâu, cây sưa, cây cu li… trước bẫy rập của thương lái Trung Quốc.
- Đọc thêm: Đu trend và FOMO
- Đám đông hỗn loạn
-Việt An, Thúy Quyên, Hoài Thu (TCNH K44)-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] cư tại đó và còn được nâng niu chăm sóc. Có những loại hoa sang trọng như tulip, hoa hồng; có cây bóng mát như phượng tím, đầu lân; và lần này tui muốn kể […]