Bất cân xứng thông tin trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế ở Việt Nam

(Đây là bài tập nhóm do sinh viên thực hiện, dùng để tham khảo) 

1. Từ thực tế trục lợi Bảo hiểm y tế (BHYT) thường gặp ở Việt Nam

Bà K (Tp. HCM), đăng ký BHYT ban đầu tại Bệnh viện Triều An. Sau đó còn đăng ký tại 18 bệnh viện khác nhau cũng ở Tp. HCM, như: Bệnh viện Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện quận 7 (11 lần), Bệnh viện Thủ Đức (10 lần)…1. Từ ngày 1/1 đến 8/3/2021, bà có 80 lần đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tổng quỹ BHYT phải chi trả cho bà là hơn 60 triệu đồng.

– Ông M, KCB tại Viện Nội tiết Trung ương và các cơ sở y tế khác tại Tp. Hải Phòng nhiều lần nhưng có trùng chi phí KCB giữa các cơ sở KCB. Riêng năm 2020, ông M. đi KCB BHYT 38 lần, trong đó có 6 lần điều trị nội trú, 32 lần điều trị ngoại trú. Nhiều tháng ông M. đi lĩnh thuốc BHYT tại các cơ sở khác nhau với số lượng thuốc bất hợp lý.

Thống kê 5 tháng đầu năm 2017 tại 46 tỉnh, thành phố ghi nhận có 2.769 người khám từ 50 lần trở lên; có tình trạng mượn thẻ BHYT chỉ định trùng lặp, lạm dụng thuốc, thủ thuật phục hồi chức năng. Có 1580 người khám bệnh 8 lần/1tháng tại nhiều cơ sở y tế; có người 8 tháng đi khám tới 132 lần; thậm chí điều trị nội trú đồng thời ở 2 bệnh viện; bệnh thông thường nhưng vẫn nhập viện 3.

– Có trường hợp đại lý thu bảo hiểm y tế trục lợi khi thực hiện sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.

Nguồn: BHXH Việt Nam, Niên giám thống kê.

2. Đến tình trạng “Bất cân xứng thông tin” trong lĩnh vực KCB BHYT

Bất cân xứng thông tin (BCXTT) là tình trạng trong một giao dịch, một bên có thông tin đầy đủ hơn và tốt hơn so với bên còn lại. Các tình huống trên là minh chứng cho tình trạng BCXTT giữa người bệnh và các bác sĩ/cơ sở y tế.

– Khi người bệnh có lợi thế về thông tin hơn: Người bệnh là người nắm lợi thế về thông tin, sức khỏe tốt hay xấu chính là thông tin mà họ là người biết rõ nhất. Trong khi đó, bên bệnh viện không thể nắm chắc thông tin về người bệnh, bởi họ cung cấp thông tin một cách không trung thực và giả bệnh để được cấp thuốc. hiện nay tình trạng một số người bệnh lợi dụng việc khám chữa bệnh bằng BHYT để nhận thuốc rồi bán lại, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng “hợp tác cùng có lợi” giữa người bệnh và cơ sở y tế, từ đó dẫn đến việc lạm dụng, trục lợi, lãng phí Quỹ BHYT. Tình trạng cho người khác mượn thẻ BHYT để khám chữa bệnh dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và gây thất thoát lớn cho quỹ BHYT. Do vậy, rõ ràng bên thiệt thòi là bệnh viện và bên được lợi là người bệnh.

– Khi bác sĩ có lợi thế về thông tin hơn: Rõ ràng, bác sĩ là người có chuyên môn nên sẽ có ưu thế hơn khi trao đổi thông tin liên quan đến tình hình bệnh tật của bệnh nhân. Ngược lại, bệnh nhân thường chỉ có thể tiếp nhận một cách thụ động các phương án khám chữa bệnh do bác sĩ đưa ra. Vì vậy, bác sĩ có thể dễ dàng điều tiết việc khám chữa bệnh theo hướng có lợi cho mình, như làm xét nghiệm, mua thuốc theo toa… Hiện tượng này cực kỳ phổ biến ở một số cơ sở KCB tư nhân làm ăn thiếu minh bạch và được mồi chài bởi các các “cò y tế”. Đây là nguyên nhân dẫn đến vấn đề “rủi ro đạo đức” từ phía cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Mức độ bất cân xứng về thông tin càng lớn thì khả năng điều tiết và “thao túng” của bác sĩ càng cao.

– Khi cơ quan BHYT thiếu hụt thông tin: Cơ quan BHYT vẫn còn bị hạn chế trong việc giám sát chặt chẽ, toàn diện về hành vi khám chữa bệnh của cơ sở y tế và người tham gia BHYT, nên dễ phát sinh vấn đề “rủi ro đạo đức” trong lĩnh vực BHYT. Thực tế chứng minh, trong quá trình thực hiện chế độ chính sách BHYT ở nước ta, do thị trường BHYT vẫn còn tình trạng bất cân xứng về thông tin khá rõ nét nên cơ quan BHYT vẫn là bên “yếu thế” về thông tin. Để khắc phục điều này, hiện nay cơ quan y tế đã triển khai thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID. Đây vừa là sự thay đổi phù hợp với thời đại số; tạo thuận lợi cho người tham gia và cơ sở KCB; vừa hạn chế được tình trạng BCXTT, giúp giảm thiểu tình trạng trục lợi quỹ BHYT. Tuy nhiên, mặt trái có liên quan đến vấn đề BCXTT của việc ứng dụng công nghệ này là tính bảo mật thông tin, do đó nó vẫn chưa được tất cả người dân lựa chọn.

3. Hệ quả của BCXTT

Hai hệ quả phổ biến của thông tin bất cân xứng là lựa chọn ngược (adverse selection) và rủi ro đạo đức (moral hazard).

– Lựa chọn ngược trong BHYT:

  • Bên bán BHYT tự nguyện là cơ quan BHXH, còn bên mua là người cần thẻ BHYT để khám và chữa bệnh. Trong thị trường này, người bán biết rất ít thông tin về người mua, thông tin người mua chỉ gồm tên, tuổi, giới tính và nơi ở. Sự bất cân xứng về thông tin của thị trường này dẫn đến hệ quả là lựa chọn ngược. Bởi vì, công ty bảo hiểm không biết người nào có nguy cơ về sức khỏe cao và người nào có nguy cơ về sức khỏe thấp. Và phần lớn những người mua BHYT là những người có tình trạng sức khỏe kém, do đó gây ra bội chi cho công ty bảo hiểm.
  • Đối với nhà nước, do mục tiêu vì an sinh xã hội mà không phải là lợi nhuận nên mọi người đều có quyền mua BHYT, kể cả người già, người có sức khỏe kém. Do đó, hệ thống BHYT nhà nước, đặc biệt là ở những loại hình BHYT được phép chọn mua hoặc không mua thường đối mặt lựa chọn ngược dẫn đến quỹ BHYT luôn có nguy cơ xảy ra tình trạng bội chi hoặc kém bền vững.

– Rủi ro đạo đức trong BHYT:

Có hai loại rủi ro trong BHYT là rủi ro đạo đức trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và rủi ro đạo đức sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

  • Rủi ro đạo đức trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm: là tình huống người mua BHYT trở nên chủ quan hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình so với người không có BHYT. Lý do là vì người tham gia bảo hiểm biết rằng họ được bảo vệ. Họ có xu hướng ỷ lại rằng nếu có bệnh thì sẽ được hưởng quyền lợi nhất định, do vậy nên họ có thể không chú trọng đến việc tự chăm sóc sức khỏe.
  • Rủi ro đạo đức sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm: Do ỷ lại vào việc có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ chi trả nên người có BHYT thường sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn, thậm chí là quá mức cần thiết so với người không có BHYT. Điều này dễ dẫn đến biến tướng trục lợi quỹ BHYT như đã nêu trên.

 Nói tóm lại, BCXTT tạo nên sự gian lận, lợi dụng lỗ hở thông tin của đối phương để kiếm lợi và gây ra những tổn thất đáng kể cho nền kinh tế, chất lượng cuộc sống.

——-

Tài liệu tham khảo

  1. Báo dân sinh, “2 tháng 80 lần đi khám chữa bệnh: BHXH TP.HCM chuyển hồ sơ qua công an điều tra”, 24/03/2021 (https://baodansinh.vn/2-thang-80-lan-di-kham-chua-benh-bhxh-tphcm-chuyenho-so-qua-cong-an-dieu-tra-20210324120716252.htm)
  2. An ninh Hải Phòng điện tử, “Cảnh báo trường hợp khám chữa bệnh có dấu hiệu lạm dụng quỹ BHYT”, 21/04/2021 (http://anhp.vn/canh-bao-truong-hop-kham-chua-benh-co-dau-hieu-lam-dung-quybhyt-d41277.html)
  3. Báo điện tử vov, “Các thủ đoạn gian lận bảo hiểm y tế thường gặp”, 15/01/2018. (https://vov.vn/xa-hoi/cac-thu-doan-gian-lan-bao-hiem-y-te-thuong-gap-718069.vov)
  4. Báo Hà Nội mới, “Quỹ BHXH, BHYT: Tình trạng trục lợi ngày càng gia tăng”. (https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Doi-song/886158/quy-bhxh-bhyt-tinh-trang-truc-loi-ngay-cang-gia-tang)

-Mỹ Nhi, Mỹ Kiều, Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Diễm, Thanh Nhật. Lớp TCNH K43-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *