Nếu bạn đã từng trầm trồ trước vẻ đẹp của dải đá ven biển Gành Đá Đĩa (Phú Yên) thì hôm nào thử ghé Vĩnh Thạnh (Bình Định) nha, bạn sẽ ngỡ ngàng trước sự lặp lại của tuyệt tác thiên nhiên này ở một phiên bản khác – trên núi cao. Khu vực miền núi Vĩnh Thạnh có 2 địa điểm sở hữu cấu trúc địa chất đặc biệt từ trầm tích triệu năm là thác Dơi và thành Tà Kơn. Let’s go, cùng tui khám phá nào.
Địa chỉ: Thác Dơi còn gọi là thác Đá đĩa Hữu Nha, nằm ở làng K8, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định; cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 116km. Bên dưới thác Dơi là hang Dơi nên 2 địa điểm này tuy hai mà một.
Hình dạng đặc biệt của hang Dơi bên dưới thác Dơi.
Đường đến thác Dơi
Hiện nay chưa có đường nhựa đến tận thác nên phải trekking một đoạn mới tới nơi. Bạn có thể xuyên rừng vào chân thác, hoặc đi ngược từ trên đỉnh thác xuống. Theo chân những người dẫn đường, tui lựa chọn cách 2, vừa ngắn vừa tiết kiệm thời gian và sức lực. Lúc này, đường đến thác Dơi có thể chia thành 3 chặng với các phương tiện di chuyển khác nhau.
- Chặng đầu tiên: Đi bằng xe máy hoặc ô tô, có thể dò đường theo google map. Từ Quy Nhơn, đi theo quốc lộ 19 rồi rẽ sang đường DT 637 để đến UBND xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh hoặc vườn anh đào Vĩnh Sơn. Đi thêm hơn 3km sẽ thấy bên tay trái có một ngã ba rẽ vào con đường đất rộng khoảng 5m.
- Chặng thứ 2: Bắt đầu từ ngã ba này, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ khoảng 1km. Chặng này có những đoạn dốc khá cao, phải tay lái cứng hoặc người địa phương quen đường mới đi được.
- Chặng thứ 3: trekking xuyên qua rẫy cà phê, rẫy tiêu và một đoạn đường rừng, đi thong thả chỉ mất khoảng 20 phút là đến.
Nơi con suối chảy về trước khi đổ xuống vực.
Tụi tui đi lúc cà phê đang nở hoa trắng ngần, thơm ngát. Hôm ấy trời mát rượi, không một chút nắng. Đã sang tháng 4 mà tiết trời vẫn chưa chuyển nóng, cái gió man mát đưa hương hoa vấn vít theo mỗi bước đi. Chưa đầy 10 phút đã đến đỉnh thác Dơi. Đầu nguồn con thác là một bãi đá khá rộng mang màu đen nhánh, có nhiều khối lục giác, ngũ giác như đá ở Gành Đá Đĩa. Rải rác trên bề mặt có có những mạch nước nhỏ, chảy ra từ dòng suối nhỏ bên tay phải. Đây là nơi con nước dừng chân trước khi đổ ào xuống vực bên dưới tạo nên thác Dơi.
Bãi đá này mang nhiều dấu vết như trầm tích núi lửa.
Dừng chân chụp hình một lát, tui lại tiếp tục xuống chân thác. Nếu như nửa chặng đường đầu đến đỉnh thác được đi trong hương hoa và lớp đất đỏ đặc quánh dưới chân; thì nửa sau xuống chân thác là trekking giữa tán lá rừng mát rượi. Con đường mòn be bé vừa đủ một người đi, lớp lá rụng bên dưới kêu soàn soạt. Những sợi dây mây nằm vắt vẻo qua lại, những cây rừng còn trẻ, ốm nhom song cũng đủ đan tán trên đầu. Đường khá bằng phẳng, chỉ có một đoạn dốc nhưng không đáng kể. Nhưng vậy thôi cũng đủ khiến vài đứa nhỏ chùn gối trượt chân, ngồi phịch xuống đất, trượt cái ẻn cho lẹ. Cả đoàn len lỏi chỉ tầm 10 phút là đã đến thác. Phải nói rằng đoạn đường này không quá dài cũng không quá ngắn, rất dễ đi, kể cả với các bạn nhỏ dù chưa trekking lần nào. Nếu khai thác sâu hơn theo hướng du lịch sinh thái, tui nghĩ có thêm phần giới thiệu về một số loại cây rừng thường gặp trên đường đi, cách nhận biết vài dấu hiệu thời tiết hoặc kinh nghiệm trekking trong rừng thì sẽ rất tốt cho các du khách muốn trải nghiệm. À tất nhiên là trên đường đi tụi tui cũng được bạn hướng dẫn viên kể tỉ mỉ về cách chống vắt rồi nhen.
Các bạn nhỏ hồ hởi khám phá thiên nhiên.
Dải lụa mềm giữa núi cao
Mép đá này chính là nơi thác Dơi đổ xuống.
Thượng nguồn con nước dẫn đến thác Dơi nằm sâu trong rừng, đoạn giáp ranh giữa Gia Lai và Bình Định. Người ta đã xây một đập nước ở khúc suối rộng nhất, gần đường bê tông chính xuyên xã Vĩnh Sơn. Kể từ đó, nước về hạ lưu ít dần, suối chỉ còn rộng chừng 10m quanh co giữa các nương rẫy trước khi đến với thác Dơi. Thác cũng vì thế mà thu hẹp lại. Từ độ cao 30m đổ xuống, là một dải mảnh dẻ buông dài như tấm lụa mềm mại giữa núi rừng.
Hôm tui đi vào mùa khô nên càng ít nước hơn, phía cuối của tấm lụa dường như chỉ còn là một màn sương mỏng tang mờ ảo. Nhìn từ góc nào, thác Dơi cũng mong manh nhẹ nhàng giữa thinh không. Người dân ở đây nói rằng, trước khi có đập ngăn, thác Dơi trải rộng hết vòm cung đá cheo leo này như một tấm rèm nước tuyệt đẹp giữa rừng già, tiếc là cảnh xưa giờ chỉ còn trong ký ức.
Cuối dòng thác đổ về là một bãi đá gập ghềnh trải giữa rừng.
Độc đáo hang Dơi
Người ta gọi là thác Dơi và hang Dơi bởi dơi từng sinh sống rất nhiều ở đây. Chiều chiều, dơi bay về tổ, đen kịt cả một bầu trời. Đến những năm 1980, dơi ít dần. Anh Thanh dẫn đường nói rằng, do nổ mìn phá đá làm thủy điện khiến dơi hoảng sợ mà bay đi; hoặc cũng có thể do việc săn bắt ráo riết hơn khiến số lượng đàn dơi giảm nhanh.
Trong lòng hang Dơi
Đồng bào Bana nơi đây kể lại, hang núi này vốn rất rộng rãi. Thuở con người còn chưa xuất hiện, đây là chốn trú ngụ của các vị thần, ngay cả suối Sơn Lang gần hang cũng là nơi tiên nữ trên trời thường xuống tắm. Lại có một câu chuyện khác, từ thời xa xưa, vùng này xảy ra loạn lạc, người dân ở 7 ngôi làng gần đó đã trốn vào hang này, mỗi làng cũng cả trăm người mà lòng hang vẫn chứa được hết. Hết cơn can qua, 6 làng trở về chốn xưa. Bỗng đất đá trước cửa hang sụp xuống, vùi lấp đường ra ngoài, chỉ còn 1 làng mất tích một cách bí ẩn. Mọi sự tìm kiếm đều không có kết quả, người ta cũng không biết dân làng đã đi đâu.
Từ hang Dơi nhìn ra ngoài. Làn nước mờ ảo ở góc phải của ảnh chính là thác Dơi.
Cửa hang Dơi rộng chừng 30m, hõm sâu vào như hàm ếch mà thác Dơi chính là lớp rèm che phủ bên ngoài. Hang của ngày nay khá cạn và chật, xung quanh chỉ toàn đá và đá. Không biết có con đường nào để đi vào sâu bên trong lòng hang nữa hay không, nhưng đoàn tụi tui quyết định dừng lại vì lý do an toàn. Điểm đặc biệt ở đây chính là những tảng đá độc đáo, có cấu trúc na ná với gành Đá Đĩa (Phú Yên). Những trụ đá hình ngũ giác, lục giác xếp san sát vào nhau, đều đặn, sắc nét như có bàn tay ai đó tỉ mỉ gọt giũa, sắp đặt. To lớn như vậy nhưng các khối đá không tách rời mà kết dính chặt chẽ với nhau. Điểm thú vị là nếu Phú Yên, đá mọc từ dưới đất lên, thì ở hang Dơi, đá được xếp từ trên xuống, không khác gì một Gành Đá Đĩa úp ngược. Bằng cách nào đó, cả một quần thể đá to lớn cứ lơ lửng giữa trời, qua bao nhiêu gió mưa thời gian không hề suy suyển. Phải nói rằng, thiên nhiên đã cực kỳ khéo léo điêu khắc ra một tác phẩm độc nhất vô nhị giữa rừng già đất võ.
Một vài tảng đá lẻ bên ngoài cũng mang hình thù tương tự, đều như từ một khuôn đúc ra. Rất tiếc là tui chưa tìm thấy các tài liệu nói về nguồn gốc và cấu tạo địa chất của hang Dơi; nhưng tui đoán rằng nó có thể cũng là sản phẩm của một đợt phun trào núi lửa nào đó, rồi qua các đợt phong hóa cả triệu năm mà tạo thành trầm tích như ngày nay.
Tuyệt tác thiên nhiên này cũng được bắt gặp ở thành cổ Tà Kơn cách đó không xa, nhưng với phiên bản phóng đại hơn nhiều. Mời bạn đón đọc bài của tui (link để bên dưới) nha.
Tự túc hay đặt tour
Nếu bạn biết đường đi và đã quen với việc trekking thì hoàn toàn có thể chủ động đi lại. Nếu không, tui khuyên bạn nên tìm người hướng dẫn địa phương, hoặc book tour để họ lo trọn gói, đảm bảo an toàn, tránh bị lạc đường và thuận tiện cho bản thân. Hôm đó tụi tui chỉ có 4 người lớn và na theo 6 đứa nhỏ nên khoán trắng cho công ty du lịch; và tui thấy đó là quyết định rất sáng suốt. Không cần suy nghĩ về việc đường đi thế nào, ăn uống ra sao, chuẩn bị những gì. Tụi tui chỉ việc leo lên xe rồi cười phớ lớ xuyên tuyến với bạn hướng dẫn viên siêu vui, thời tiết siêu đẹp và điểm đến siêu mãn nguyện.
Du khách trở về tuổi thơ khi đi tìm dấu vết của con cút đất (ấu trùng của kiến sư tử) để lại trên cát.
P/s: đính kèm link của đơn vị cung cấp tour mà tui đã chọn cho hành trình này: THÍCH TOURS. Vẫn phải nói thêm rằng blog này được làm theo sở thích của các admin chứ không chạy quảng cáo gì nhé bà con.
Nên đi thác Dơi vào thời gian nào
Vĩnh Sơn nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển nên khí hậu ở đây có phần mát mẻ. Vì vậy mùa nào bạn cũng có thể đến thác Dơi, hạn chế đi vào mùa mưa vì thiếu an toàn. Khoảng thời gian lý tưởng nhất thường từ tháng 12 đến tháng 3, trời khô ráo, thời tiết dịu mát, nhiệt độ cũng chỉ tầm trên dưới 20 độ, cực kỳ phù hợp cho một chuyến trekking.
Hang Dơi nhìn từ dưới lên.
Gợi ý hành trình du lịch
Ngoài thác Dơi và hang Dơi, khu vực lân cận ở Vĩnh Thạnh còn có nhiều điểm đến thú vị khác như thành cổ Tà Kơn, suối Tà Má, vườn hoa đào, vườn cam Nguyễn Huệ, hồ thủy điện Định Bình… mà bạn có thể tham quan trong vòng 1 ngày.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Hành trình đến Thác Dơi – trầm tích triệu năm ở Bình Định […]