Trong các ngày tết ở nước ta, có một ngày hết sức đặc biệt. Nó không phải là mùa xuân hoa lá đua nở hay thu về đón trăng rằm. Đó là cái tết diễn ra giữa mùa hè nóng bức: Tết Đoan Ngọ, mùng 5/5 âm lịch. Vào ngày này, người ta cho rằng hỏa khí (tính dương) của cả trời đất và con người đều lên cao nhất trong năm. Cũng dịp này, nếu đến Bình Định, bạn sẽ khám phá nhiều phong tục rất lạ của vùng đất xứ võ..
Tắm biển lúc giữa trưa
Tắm biển ư, chuyện quá bình thường! Thế nhưng cái bình thường là khi bạn vẫy vùng trong làn nước mặn mòi lúc sáng sớm và chiều mát. Còn ở đây là tắm biển lúc giữa trưa, chính ngọ. Cứ đúng mùng 5/5, khoảng 11 giờ, từng dòng người í ới kéo nhau xuống biển, đông như trẩy hội. Giữa trưa nắng 12 giờ, cả bãi biển hình trăng khuyết kéo dài từ bãi tắm Ghềnh Ráng đến khu vực trước khách sạn Quy Nhơn chật kín người, lớn hay bé đều có. Đông như bãi Vũng Tàu, Cửa Lò mùa du lịch vậy. Nhiều người đi tắm biển nhưng bao bọc rất kín đáo, đội mũ, mặc áo dài tay, đeo kính râm để giảm bớt tia nắng chói chang mùa hè. Không rõ phong tục có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu, chỉ biết từ thời xưa xửa xừa xưa, bà nội tui kể rằng tắm biển vào dịp này sẽ gột bỏ được mọi xui xẻo trong năm.
Nhà nào có trẻ sơ sinh không đi tắm biển được thì cũng đặt thau nước dưới nắng trưa cho nước ấm lên, rồi lấy nước đó tắm với mong muốn bé không bị rôm sảy hoặc các bệnh ngoài da khác.
Nhằm thẳng mặt trời, nhìn!
Nếu không thể đi ra biển tắm để xả xui, nhiều người sẽ cố gắng nhờ lấy cho được thau nước biển mang về, nhìn vào đó rồi ngửa mặt lên trời và cầu mong sức khỏe, tránh xa mọi bệnh tật.
Có người lại chờ đúng 12 giờ, ra đứng dưới nắng, nhìn thẳng vào mặt trời và chớp mắt 3 cái, như vậy sẽ tốt cho mắt. Chẳng biết có liên quan gì hay không nhưng bà nội tui từng làm theo cách này, đến tuổi 80, 90 vẫn đọc báo ro ro. Tuy nhiên, đứng ở góc độ khoa học, điều này chưa được chứng minh nên bạn đừng làm theo nhé.
Lên rừng hái lá thuốc
Nếu người miền biển nô nức chờ tắm biển thì người dân các vùng miền khác ở Bình Định lại hẹn nhau đi hái lá thuốc. Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. “Đoan” là mở đầu, “Dương” là khí dương, là mặt trời; “Đoan Dương” nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang mạnh. Do vậy, mùng 5/5, khi khí dương thịnh nhất trong năm, cây cối hấp thụ nhiều chất nên sẽ có dược tính cao nhất, có tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Do vậy, vào ngày này phải tranh thủ hái đủ thứ cây dược liệu về, phơi khô rồi đem cất để sau này dùng dần.
Chữa bệnh “hiếm muộn” cho cây
Bệnh “hiếm muộn” ở cây là khi cây ăn quả trồng đã lâu năm mà vẫn chưa có trái, hoặc cây tốt lá mà không tốt quả. Bắt được bệnh, nhiều bác nông dân đã rỉ tai nhau một mẹo nhỏ và cứ chờ dịp này thì xài mới ngon.
Với cây thuộc họ dây leo như bầu, bí, mướp…, người ta cắt vát phần thân sát gốc rồi lấy mảnh sành nhỏ nhét vào, sau đó lấy bùn đất trét kín chỗ cắt rồi lấy vải hoặc bì nilon buộc chặt lại. Có nơi dùng tre xuyên qua gốc. Kỹ lưỡng hơn thì quấn tròn 1 vòng gốc nữa rồi lấp đất lên. Với các loại cây ăn quả thân gỗ như mít, vú sữa, đu đủ, xoài… thì lấy dao chém nhẹ vài nhát vào vỏ, thường là phía Nam. Vừa chém vừa khấn mong cây ra nhiều quả, đồng thời dọa nếu không có trái nữa sẽ chặt bỏ, kiểu như vừa đánh vừa dỗ con nít. Nhà nào muốn chắc chắn thì còn sắm thêm mâm hoa quả và thắp hương.
Chỉ một cách đơn giản như vậy thôi nhưng hầu như cây nào sau khi “làm phép” cũng ra trái lúc lỉu. Thật ra cách này bình thường vẫn có thể sử dụng, nhưng đứng ở góc độ sinh học, có thể giải thích rằng vì cây bị thương nên nỗ lực dồn sức ra hoa kết trái để duy trì sự sống. Hơn nữa, dịp Tết Đoan Ngọ là lúc tiết trời nóng bức nhất, cũng là lúc chuyển mùa nên quá trình ấy diễn ra mạnh mẽ hơn.
Thưởng thức bánh tro
Nói đến Tết Nguyên đán là nói đến bánh chưng, bánh tét; Tết trung thu không thể không nhắc tới bánh nướng, bánh dẻo thì trong ngày Tết Đoan Ngọ, loại bánh đặc trưng là bánh tro. Ở Bình Định bánh tro được gói theo 2 kiểu: dạng cây suôn dài như ống tre nhỏ và dạng bánh ú tro. Bánh tro cây thì không có nhân. Bánh ú tro thì có cả loại không nhân lẫn có nhân, nhân ngọt là nhân đậu xanh, nhân mặn có thêm thịt.
Đọc thêm: Tết Đoan Ngọ về, rủ nhau ăn bánh tro
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Khám phá những phong tục lạ trong Tết Đoan Ngọ ở Bình Định […]