Phải nói ngay từ đầu rằng trước đây, người ta vẫn coi Mũi Điện là điểm cực Đông trên đất liền nước ta. Nhưng sau này đo đạc lại, ánh bình minh đã đến với Mũi Đôi (Khánh Hòa) sớm hơn 0.4 giây. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm thu hút nhiều du khách bởi sự thuận tiện khi di chuyển hơn hẳn so với Mũi Đôi.
1. Mũi Đại Lãnh trong dấu thời gian
Mũi Đại Lãnh còn gọi là Mũi Điện, là mũi đất nhô ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn; nay thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ thế kỷ 17, các bản đồ phương Tây đã ghi chép mũi Đại Lãnh là Cap Varella, Varella (Peter Mundy, thương nhân Anh, 1637; Alexandre de Rhodes, Linh mục, 1651), Varela (Philipphe Bỉnh, thầy Cả, nhà văn hóa quốc ngữ, 1822), Avarella.
Năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng, hình tượng núi Đại Lãnh được khắc trên Tuyên đỉnh, một trong chín đỉnh đặt trước Thế miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn) trong đại nội kinh thành Huế.
Góc nhỏ:
- Chữ “Tuyên” trong “Tuyên đỉnh” là thụy hiệu của vua Khải Định.
- Tuyên đỉnh có miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước 7 tấc; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 2 tấc 5 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.344 cân 12 lạng 4 phân 3 ly đồng, 185 cân 13 lạng 1 đồng cân 1 phân 3 ly 5 hào kẽm, 185 cân 13 lạng 1 đồng cân 1 phân 3 ly 5 hào thiếc, hao hết 295 cân 4 lạng 2 đồng cân 7 phân, thành khí được 3.079 cân 2 đồng cân đồng, 171 cân 9 đồng cân kẽm, 171 cân 9 đồng cân thiếc, cộng thành 3.421 cân 2 lạng.
- Tuyên đỉnh nằm ở vị trí thứ 4 bên phải Cao đỉnh. Trên khắc các hình: Mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.
2. Đường đến mũi Đại Lãnh
- Hải đăng Đại Lãnh cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam. Nếu đi từ thành phố thì cung đường ven biển qua đại lộ Hùng Vương là ngắn và đẹp nhất dẫn thẳng đến Mũi Điện. Cung đường uốn lượn với một bên là núi, một bên là biển xanh trong rất hút mắt.
Toàn bộ cung đường ven biển thành phố Tuy Hòa đến tận Vũng Rô đều trải nhựa đẹp như thế này.
- Nếu theo quốc lộ 1A thì khoảng 43km. Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa đi vào trong Nam theo hướng đèo Cả => đến ngã 3 thay vì lên đèo Cả thì rẽ trái vào quốc lộ 29 => men theo con đường đèo dốc này đi qua Vũng Rô là tới Mũi Điện; từ đoạn ngã 3 kể trên đến Mũi Điện khoảng 10km. Khung cảnh con đường này cũng rất đẹp khi bạn có thể ngắm nhìn Vũng Rô với tàu thuyền san sát từ trên cao.
Vũng Rô
Trên đường đi bạn sẽ bắt gặp ngã ba này, từ ngã ba đi xuống dốc khoảng 250m là đến điểm bán vé và bãi giữ xe tham quan mũi Đại Lãnh.
Giá vé tham quan: 30k/người (2024).
Từ điểm bán vé đi qua cầu bê tông nhỏ (cầu Mũi Điện), bạn bắt đầu leo những bậc tam cấp khoảng 1km là lên khu vực ngắm cực Đông. Trên đường đi có 2 chòi nghỉ nhỏ cho bạn dừng chân đỡ mệt.
Cầu Mũi Điện sơn màu trắng, tô điểm bằng nét xanh dương rất bắt mắt..
Đường lên khu vực ngắm bình minh, hải đăng Đại Lãnh và điểm cơ sở A8.
Đi theo hướng này nhé bạn. Đây cũng là quán nước duy nhất trên con đường mòn 1km từ cổng bán vé lên mũi Đại Lãnh.
3. Check in cùng ánh rạng đông
Mũi Đại Lãnh nằm ở tọa độ 12o53’48”N, 109o27’29”E, là một trong những điểm nhô ra biển Đông xa nhất trên dải đất hình chữ S. Vì vậy, sau Mũi Đôi, đây là nơi được vươn mình đón nắng sớm thứ 2 của đất nước. Quanh khu vực chủ yếu toàn là đá, cây lớn gần như không bạn sẽ không bị chắn tầm nhìn ngắm bình minh. Tấm bảng ghi lại địa danh này được ốp đá granite, với hình tròn trên cao mô phỏng mặt trời rực rỡ.
4. Vẻ đẹp của ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi
Từ khu vực này, ngước lên trên là ngọn đèn biển được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Hơn 1 thế kỷ qua, hải đăng Đại Lãnh vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ định vị mũi Đại Lãnh cho tàu thuyền ra vào khu vực biển nơi đây. Cao 26.5m, lại nằm trên mỏm đá cách mặt nước biển 110m nên tháo đèn có thể dễ dàng nhận ra từ xa. Không sở hữu màu sắc nổi bật, nhưng vẻ xám sẫm vững chãi trên nền trời xanh thẳm vẫn mang vẻ quyến rũ rất riêng.
Đọc thêm: Hải đăng Đại Lãnh – ngọn đèn biển đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam
5. Điểm cơ sở a8 – mốc xác định lãnh hải Việt Nam
Cách bảng mốc cực Đông khoảng 3m là cột mốc đánh dấu điểm cơ sở A8 – một trong 11 điểm cơ sở của nước ta. Các điểm được nối thành đường cơ sở, từ đó xác định chiều rộng lãnh hải nước ta. Cột mốc được ốp đá granite, đặt trên một trụ đế vuông. Bên trên cả 4 mặt là hình quốc kỳ, bên dưới là hình đất nước trên nền trống đồng. Riêng mặt phía Đông còn có thêm các thông số về điểm cơ sở A8.
Đọc thêm: Khám phá mũi Đại Lãnh – điểm A8 trên đường cơ sở biển
6. Ngắm nhìn sự hùng vĩ của đá và nước
Là phần cuối cùng của một nhánh núi trong dãy Trường Sơn đâm ra biển, quanh khu vực này là bãi đá với nhiều hình thù khác nhau. Các tảng đá lớn xếp chồng chất đua nhau vươn ra biển. Nhiều tảng đá dốc đứng, bên dưới là vực biển xanh ngắt. Gần như chỉ có đá với đá và vài loại cỏ thưa thớt mới sống được trong cái nắng gắt của gió và biển miền Trung.
Bạn tha hồ lựa chọn nhiều góc chụp thú vị ở đây, nhưng nhớ đảm bảo an toàn cho bản thân. Ví dụ như tấm ảnh dưới này thoạt nhìn khá chông chênh.
… Cho đến khi sự thật hé lộ :)))
7. Dạo bước Bãi Môn
Từ mũi Đại Lãnh có một con đường mòn nhỏ đi thẳng xuống Bãi Môn. Dạo bước trên bãi cát vàng mịn màng, ngắm từng con sóng trắng vỗ vào bờ là một khung cảnh cực kỳ nên thơ và lãng mạn.
Ngã rẽ này nằm ở khoảng 2/3 quãng đường tam cấp lên mũi Đại Lãnh.
8. Nên đến hải đăng Đại Lãnh vào thời gian nào?
Bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày vì lúc nào cũng đẹp. Tuy nhiên nếu đi ban ngày lúc nắng gắt thì cần chú ý đội mũ và thoa kem chống nắng cho kỹ, vì xung quanh không có bóng cây, chỉ có 2 lầu nghỉ mát nhỏ nhỏ mà thôi.
Từ hải đăng Đại Lãnh nhìn xuống, lúc này mốc cơ sở A8 chưa được xây dựng. Khung cảnh hiện nay vẫn như cũ nhưng có thêm nhiều lan can để đảm bảo an toàn cho du khách.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |