Trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, có 2 chiếc xe tăng đã để lại dấu ấn đặc biệt, là vật chứng ghi lại chiến công to lớn của quân và dân ta trong hành trình thống nhất non sông. Đó là xe tăng T54B số hiệu 843 (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội) và xe tăng T59 số hiệu 390 (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp ở Hà Nội), được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012. Khoảnh khắc 2 chiếc xe tăng tông vào cổng dinh Độc Lập đã trở thành huyền thoại của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Mời bạn cùng ngược dòng lịch sử để chiêm ngưỡng lại chứng tích đặc biệt của một thời vang bóng này.
Xe tăng tiến vào dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: nhà báo Trần Mai Hưởng.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, đúng 5h30, quân ta chia thành 5 hướng đồng loạt tổng tiến công vào nội đô Sài Gòn. Sau khi tràn qua cầu Sài Gòn, trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, lực lượng đột kích thọc sâu của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 chia thành 2 mũi theo đại lộ Thống Nhất và đại lộ Hồng Thập Tự tiến về dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Lúc 11h, xe tăng 843 đã húc vào cổng phụ của dinh nhưng bị chết máy. Xe tăng 390 đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận của tăng 843 nhảy ra khỏi xe, chạy lên nóc Dinh Độc Lập và cắm cờ. Lúc 11h30, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông Việt Nam thống nhất từ đây.
1. Xe tăng 843 thần tốc và quyết thắng
Xe tăng T54B số hiệu 843 là loại xe hạng trung, dài 6.2m, rộng 3.27m, cao 1.27m, do Liên Xô chế tạo. Trên tháp pháo có gắn súng 12,7 ly. Xe tăng 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2.
Trận đánh đầu tiên của Đại đội 4 trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 là trận tiến công cứ điểm Núi Bông (Tây Nam Huế) ngày 23/3/1975. Tiếp đó, truy kích địch ra Thuận An, rồi vượt đèo Hải Vân đánh vào Đà Nẵng. Sau khi tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng với vai trò tiên phong, tăng tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn. Từ ngày 26 – 29/4/1975, Đại đội 4, trong đó có xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Nước Trong, mở đường cho binh đoàn thọc sâu xung trận. Ngày 30/4/1975 xe dẫn đầu đội hình đánh thọc sâu, phá vỡ thế phòng ngự địch, mở đường vượt cầu Sài Gòn. Tại cầu Thị Nghè, xe tăng 843 bắn cháy 2 xe thiết giáp M41 và M113 của địch. Kíp tăng gồm có Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận làm Trưởng xe, pháo thủ số 1 Thái Bá Minh, pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ, lái xe Lữ Văn Hỏa lái xe. Đây là chiếc xe đầu tiên húc vào cổng dinh Độc Lập (cổng phụ bên trái) nhưng bị chết máy.
Sau ngày thống nhất, xe tăng 843 được dùng để làm nhiệm vụ huấn luyện. Năm 1979 đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đọc thêm: Chiêm ngưỡng 2 chiếc máy bay bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
2. Xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập
Xe tăng T59 số hiệu 390 dài 6.46cm, rộng 3.27m, cao 2.4m, do Trung Quốc sản xuất. Chiếc 390 thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Sau khi tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng thì hành quân đến Rừng Lỏ (gần Xuân Lộc) tiến công vào Sài Gòn – Gia Định. Ngày 29/4/1975, tăng 390 tham gia tiến công căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975 khi tiến về dinh Độc lập, tăng 390 đi sau tăng 843. Kíp tăng gồm có Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên, Đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng (thay thế pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau), lái xe Nguyễn Văn Tập.
Xe tăng 390 húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Françoise Demulder (nữ phóng viên người Pháp)
Đến cổng dinh, thấy chiếc 843 đang kẹt ở cổng phụ, Trưởng xe 390 Vũ Đăng Toàn quyết định cho xe tiến thẳng vào cổng chính. Sau khi thấy Trưởng xe 843 Bùi Quang Thận chạy vào dinh, đồng chí Toàn và đ/c Nguyên của xe 390 cũng xách vội khẩu AK xuống xe để bảo vệ đ/c Thận. Họ dồn nội các của Tổng thống Dương Văn Minh vào một chỗ, rồi ra gác cửa chờ bộ đội ta vào. Như vậy, tăng 390 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng dinh, mở đường cho quân ta vào bắt sống nội các Dương Văn Minh.
Năm 1979 xe 390 còn tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tháng 10/1999 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp.
3. Lá cờ quyết chiến quyết thắng trên dinh Độc Lập
Ban đầu, mục tiêu Dinh Độc Lập – dinh lũy cuối cùng của chính phủ VNCH được giao cho Quân đoàn 4 thuộc cánh quân phía đông. Tuy nhiên, Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã đồng ý với phương án là tùy tình hình thực tế thì đơn vị nào vào trước cũng được. Theo kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng được Quân đoàn 4 giao cho Sư đoàn bộ binh 7 – đơn vị chủ công của Quân đoàn. Trước lúc ra trận, Tư lệnh Quân đoàn 4 Hoàng Cầm trao cho đồng chí Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” để cắm lên nóc Dinh Độc Lập (mục tiêu của Sư đoàn 7 là chiếm Đài Phát thanh và Dinh Độc Lập).
Về phía Quân đoàn 2, họ đã tách một phần lực lượng, tổ chức thành một binh đoàn thọc sâu với nòng cốt là Lữ đoàn xe tăng 203. Nhiệm vụ cắm cờ cũng được giao cho binh đoàn này. Sáng 28/04/1975, tại đồn điền cao su Ông Quế (Đồng Nai), Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An đã trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Lữ đoàn xe tăng 203 để cắm lên nóc dinh Độc Lập. Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này.
Lá cờ của niềm tin chiến thắng
Mặc dù các kế hoạch cùng những lá cờ quyết chiến quyết thắng được chuẩn bị trước, nhưng thực tế chiến đấu trên mặt trận lại đưa đến một diễn biến khác. Trưa ngày 30/4/1975, hai chiếc xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4, Lữ đoàn 203 đã đến dinh Độc lập đầu tiên.
Ngược thời gian về một tháng rưỡi trước đó, ngày 19/3/1975 khi đang đóng quân tại A Lưới (Thừa Thiên Huế) thì Đại đội 4 nhận lệnh lên đường. Trước khi xuất phát, mỗi xe tăng thiết giáp trong đại đội đều được cấp một lá cờ giải phóng may bằng vải phin thông thường, kích thước chỉ 60×90 cm. Đó là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Ý nghĩa của nửa trên (màu đỏ) là đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
Lá cờ được treo lên đốt thứ hai tháp pháo của xe tăng. Lá cờ đã đi cùng các chiến sĩ từ ngày xuất quân 20/3/1975 cho đến lúc chạm cửa ngõ dinh Độc Lập. Trong thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, khi xe tăng 843 bị mắc kẹt ở cổng phụ bên trái dinh, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã nhảy xuống xe, tháo ngay lá cờ hiệu trên tháp pháo, chạy bộ vào dinh rồi lên thẳng tầng thượng cắm cờ. Dù chỉ là một lá cờ hiệu nhỏ bé trải qua bao nắng mưa, bao trận đánh, đã bạc màu bụi đường; nhưng đó là lá cờ đặc biệt, lá cờ khẳng định giây phút chiến thắng của non sông. (Câu chuyện về khoảnh khắc Trung úy Thận vào dinh và cắm cờ cũng rất thú vị).
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |