[Sách] Việt Nam – hôm nay và ngày mai (Trần Văn Thọ, Nguyễn Xuân Xanh – chủ biên)

Nhân dịp tác phẩm “Việt Nam hôm nay và ngày mai” của GS.TS Trần Văn Thọ và TS Nguyễn Xuân Xanh được trao giải Sách hay 2022, hạng mục sách “Nghiên cứu” do Viện IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức.

Trong quá trình trăn trở tìm kiếm con đường phát triển, Việt Nam đã từng đặt ra rất nhiều dấu mốc:

  • Năm 1996: “Ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”.
  • Năm 2006: Mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá: “Tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
  • Năm 2018: “Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”.
  • Năm 2021: “Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Mục tiêu càng về sau dù đã rõ ràng hơn, không còn mông lung kiểu “cơ bản thành một nước công nghiệp” mà không giải thích được “cơ bản” là như thế nào, nhưng Việt Nam lại phải đối mặt với một loạt các câu hỏi:

  • Làm gì để đất nước bứt phá trước sự thay đổi chóng mặt của thời cuộc, khi bánh xe của công cuộc Đổi mới năm 1986 đã đi vào trạng thái trì trệ?
  • Làm gì để phục hồi đất nước sau đại dịch Covid 19, khi mà trước đó nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh, những tưởng đã thoát khỏi chu kỳ suy thoái 10 năm như từng gặp ở 1986, 1997-1998, 2008?
  • Làm gì để gia tăng mức thu nhập bình quân, cải thiện đời sống người dân, nâng cao năng suất lao động khi có hàng loạt sự so sánh giữa Việt Nam với Thái Lan, Singapore… trước đây và hiện nay?
  • Làm gì để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? Làm gì để tận dụng cơ hội từ hàng loạt hiệp định thương mại đã ký kết, các mối quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới?…

Nếu muốn đi tìm lời giải cho các câu hỏi trên, bạn có thể tìm đến “Việt Nam hôm nay và ngày mai”. Cuốn sách là tập hợp những sự trăn trở của 22 học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam với khao khát góp phần vào quá trình đổi mới đất nước, do tác giả Trần Văn Thọ và Nguyễn Xuân Xanh chủ biên.

Thoạt nhìn, có thể bạn sẽ e ngại rằng đây là tập hợp những bài thuyết giảng bị gò bó trong một số khuôn mẫu tư tưởng nhất định. Tuy nhiên, ngay từ đầu quyển sách, các tác giả đã dành hẳn một trang để trích lời của nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ – John Dewey (1859 – 1952). Deway là người đề xướng và ủng hộ mạnh mẽ phong trào cải cách giáo dục tiến bộ, từ đó khai sinh ra tư tưởng giáo dục mới theo hướng thực dụng. Ông cho rằng “Những người trí thức dấn thân xã hội phải chấp nhận thực trạng như họ đang sống và tìm cách định hình nó theo những mục tiêu xã hội tích cực, chứ không đứng cô lập bên lề tự cho mình là đúng”.

Thực tế cho thấy những người trí thức chân chính chỉ chấp nhận chứ không an phận trước thực tại hay chê bai nó, nên họ luôn nỗ lực hiến kế sửa đổi những tiêu cực, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Việc nêu lên quan điểm ngay từ đầu là cách để khẳng định góc nhìn, thái độ của những người viết sách. Và quả thực, xuyên suốt 4 phần của “Việt Nam hôm nay và ngày mai” là những suy nghĩ được bày tỏ một cách thẳng thắn, bộc trực.

Nói về sự phát triển đất nước, người ta thường bàn đến các vấn đề kinh tế. Thế nhưng, một cách khéo léo, các tác giả đã xếp nội dung này ở cuối cùng, sau khi đề cập tuần tự “Lịch sử, văn hóa”, sang “Tư tưởng, thể chế”, nối tiếp là “Giáo dục, y tế” và kết thúc ở phần 4 “Kinh tế, kinh doanh”. Rõ ràng, có quá khứ mới có tương lai; có hiểu biết về nền tảng lịch sử, văn hóa nước nhà, có thấm đẫm tình yêu quê hương thì mới định hình được tư tưởng mỗi cá nhân. Tư tưởng có thông thì hành động mới thoáng. Song chỉ về tư tưởng thôi sẽ là chưa đủ, mà cần có giáo dục để rèn luyện con người thành tài. Sau đó mới bàn chuyện hoạch định chính sách xây dựng và phát triển đất nước như thế nào. Đó là một mạch dẫn logic và tinh tế, xâu chuỗi các vấn đề khó nhằn thành câu chuyện nhẹ nhàng, tựa như buổi đàm đạo bên bàn trà nước.

Nhưng nhẹ nhàng không có nghĩa là hời hợt. Lần giở cảo thơm kể chuyện lịch sử, bạn sẽ thấy sau những dẫn chứng tường minh, lập luận sắc bén là lời khẳng định chắc nịch về về ý thức hệ dân tộc và chủ quyền quốc gia. “Ta là người chủ của đất nước mình, tự quyết định vận mệnh quốc gia mình…”. Để vẽ được dáng hình đất nước trong bối cảnh mới, các tác giả đã tỉ mỉ phân tích những đe dọa đến từ các quốc gia cụ thể, những lung lay trong các mối quan hệ quốc tế. Nhìn ra quốc tế, tui ưng, rất ưng cách viết trực diện, thẳng thắn chỉ ra sự 2 mặt của Trung Quốc, không né tránh bằng hai chữ “nước lạ” trong toàn bộ bài viết của mình (Trần Ngọc Vương). Nhìn về nội tại đất nước là rủi ro đạo đức do sự tha hóa quyền lực (Vũ Ngọc Hoàng), thiếu hụt một nhà khai sáng giáo dục mạnh mẽ như Fukuzawa (Nguyễn Xuân Xanh), hay những vướng mắc trong việc tìm tòi và dám chấp nhận con đường phát triển mới của đất nước (Huỳnh Thế Du).

Càng về sau, các cuộc đối thoại càng chạm đến hơi thở cuộc sống. Đó là những xáo trộn sau đại dịch Covid 19 (Trần Quốc Hùng); những con số biết nói về tình hình kinh tế đất nước (Phạm Chi Lan, Trần Văn Thọ); về “missing middle” và tình trạng “không chịu lớn” của SMEs (Phạm Chi Lan); về nông nghiệp – ngành cứu cánh cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua (Đặng Kim Sơn); hay nhiều mẩu chuyện nhỏ góp nhặt trong quá trình tìm tòi khẳng định thương hiệu Việt (Vũ Kim Hạnh). Dù nhìn ở góc độ toàn cảnh hay từ phía doanh nghiệp thì các nhà cầm bút chưa bao giờ ngần ngại điểm mặt chỉ tên những tồn tại, yếu kém. Các gợi ý chính sách đề ra vì thế rất sát sườn và chắc chắn không rơi vào vùng trũng của “khuyến nghị nhảy dù”. Đây cũng là phần mà tui thích nhất.

Không có những tình tiết hấp dẫn, gay cấn; lại lựa chọn vấn đề chính sự nên “Việt Nam hôm nay và ngày mai” có phần khô khan và không phải là cuốn sách dành cho mọi độc giả. Hơn 500 trang sách cũng không thể bao quát, chuyên sâu tất cả mọi lĩnh vực của đất nước mà chỉ có thể là một lát cắt mỏng manh của cuộc sống. Trên tất cả, quyển sách này vẫn đầy sức cuốn hút bởi cách viết rõ ràng, đầy tính thời đại, và quan trọng nhất là tâm huyết của các tác giả. Họ đã viết theo mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc cống hiến vì một Việt Nam hùng cường.

Điểm cộng: Sách được in trên giấy trắng, chữ to, giãn dòng giãn đoạn đầy đủ nên rất rõ ràng, đẹp và dễ đọc.

Điểm trừ: 

  • Có nhiều đoạn bị giãn khoảng cách chữ, chắc là để đảm bảo dàn trang cho kín. Nhưng việc này lặp đi lặp lại khiến cái đứa khó ở như tui không zui lắm.
  • Ngoài khoảng chục lỗi chính tả trong sách do tác giả quên chuyển nghĩa tiếng Việt (tui thông cảm vì rơi vào những tác giả đã sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm) thì có một số nội dung trong sách khiến tui thắc mắc về tính cập nhật của nó. Trong bài liên quan đến di sản văn hóa, tác giả có vài lần nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ “Di sản văn hóa vật thể” và “Di sản văn hóa phi vật thể”, nếu ai không để ý thì sẽ hiểu sai về khái niệm hai loại này. Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chỉ mới được cập nhật đến năm 2017, trong khi tại thời điểm cấp phép xuất bản sách là cuối 2020 thì danh sách này đã có nhiều thay đổi.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *