Tháng ba hoa gạo bên dòng Hương

Tháng ba. Tiết xuân phân mưa bay bay, bầu trời cố đô nhè nhẹ vương màu xám bạc. Bất chợt một ngày sắc hoa gạo sáng bừng bên sông Hương. Tui cứ ngỡ hoa gạo chỉ trải dài ven đê đồng bằng Bắc bộ, hay núi rừng Tây Nguyên mới đỏ thắm màu pơ lang. Không nghĩ rằng hôm ấy khi lướt qua một góc thành nội lại thấy có cây hoa gạo đứng một mình với những đốm lửa thắp rực trên thân cây khẳng khiu.

Hoa gạo đối diện pháo đài Nam Minh, góc đường Lê Duẩn, Huế.

Ông bà xưa vẫn nói “Bao giờ cho đến tháng ba / Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Mùa hoa gạo nở cũng là khoảng tháng 3, lúc đất trời chuyển giao giữa cuối xuân, đầu hạ; khi những ngày rét đi qua nhường chỗ cho tia nắng hè ngọt ngào. Hoa gạo chỉ nở rực rỡ khoảng 2-3 tuần. Khi nụ non đã ươm mầm rồi bung cánh, cây trụi lá dần, trên cành chỉ còn lại sắc hoa đỏ thắm. Điều lý thú của hôm ấy là một nửa cây hoa vẫn còn duyên dáng, nửa còn lại đã trổ lá xanh non.

Không biết ai đã đặt tên mà hoa gạo mang nhiều nickname lạ tai và xinh đẹp đến vậy: hoa gạo, mộc miên, hồng miên, gòn rừng, pơ lang (Tây Nguyên), Mạy nghịu (dân tộc Tày, chữ “Mạy”  trong tiếng Tày nghĩa là “cây”), Pù đồng giắng (dân tộc Dao). Ở Trung Quốc, nó có tên gọi mộc miên (nghĩa là cây bông thân gỗ), hồng miên (cây bông có hoa đỏ), anh hùng thụ (cây anh hùng) do tướng tá hiên ngang thẳng tắp của mình. Hoa gạo còn được xem là biểu trưng của Quảng Châu (Trung Quốc) và Cao Hùng (Đài Loan). Tên tiếng Anh là Red Silk Cotton. Tên khoa học là Bombax ceiba, thuộc phân họ Gạo hoặc Bông gòn (Bombacaceae), họ Cẩm quỳ (Malvaceae).

Đúng như tên gọi của mình, cây gạo có dáng cao thẳng, tán tròn với các thân cành mọc ngang vươn dài ra xung quanh tạo bóng mát. Cây có thể cao tới 10-20m, thậm chí là 30m. Những chiếc gai ngắn hình nón chi chít từ thân ra tới cành, trừ những cành non. Là loài thân gỗ nhưng gỗ cây gạo lại khá mềm nên ít sử dụng trong việc chế tạo sản phẩm.

Lá cây gạo là loại lá kép chân vịt với 5 lá chét nhỏ hình mũi mác, đỉnh nhọn. Mùa đông cây thường rụng lá để khi xuân sang sẽ bật những chồi non xanh mướt.

Hoa gạo khá to, 5 cánh đỏ thắm xòe nở hết cỡ với đám nhị hoa vươn thẳng cùng bao phấn đỏ trên đầu. Khi sắc trời còn xám đục vì màn sương, trên những thân cây cao lớn bắt đầu xuất hiện những đốm lửa mà thiên nhiên đã kỳ công thắp lên trên bầu trời. Hoa gạo gắn liền với những triền đê trải dài và ruộng lúa xanh ở đồng bằng Bắc bộ; nó phủ thắm miền rừng núi vùng cao; nó gợi lên vẻ thương nhớ đồng quê. Vì vậy, dù không đẹp kiêu sa nhưng đó là loài hoa đầy hoài niệm mỗi độ tháng 3 về.

Cây gạo thường ra quả sau mùa hoa 1 tháng. Quả gạo dạng bầu dục, dài khoảng 8-15cm, treo thành chùm lủng lẳng ở đầu cành. Quả màu xanh, khi chín lớp vỏ chuyển sang nâu đen rồi nứt ra thành 5 cánh, bên trong có sợi như sợi bông như kiểu cây bông gòn. Quả còn có rất nhiều hạt màu đen, hình trứng, với túm lông dài trắng mịn bao quanh, dễ dàng bay đi theo chiều gió đến nơi sinh trưởng mới.

Quả của cây hoa gạo. Ảnh: sưu tầm.

Sự tích hoa pơ lang

Ngày xửa ngày xưa, ở Tây Nguyên, Giàng (Trời) và Đất ở gần nhau, người từ mặt đất có thể bắc cây thang trèo lên nhà Giàng. Thuở ấy, có một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết; chàng khỏe như voi, nhanh như hổ; còn nàng đẹp như bông hoa rừng. Khi hai bên gia đình trai gái đã chuẩn bị đủ trâu, bò, gà, lợn… tổ chức đám cưới thì bất ngờ trời đổ mưa như trút nước. Mưa dâng lên thành cơn lũ dữ cuốn trôi hết sính lễ cùng tài sản của dân làng. Mọi người chịu bao cực khổ nên rất bất bình với Giàng. Dân làng bèn trồng một cây nêu cao để chàng trai trèo lên gặp Giàng hỏi cho ra lẽ. Ngày chia tay, chàng gặp người yêu và buộc vào cổ tay nàng một băng vải màu đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời hẹn thề thủy chung chàng dành cho nàng.

Nụ hoa gạo

Gặp Giàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin Giàng xem xét lại”. Giàng nhìn quanh xem ai trông coi mưa nắng thì có người tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc xao nhãng”. Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin Giàng giữ chàng trai này lại để phụ giúp”. Giàng đồng ý và còn ra lệnh nâng bầu trời xa mặt đất để chàng trai không thể về mặt đất, còn người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng trào ra.

Cô gái đợi mãi, đợi mãi mà không thấy chàng trai trở về. Ngày ngày cô trèo lên cây trông ngóng về phương xa. Một lần vào giữa mùa xuân, Giàng xuống mặt đất. Nghe câu chuyện cảm động của đôi trẻ, Giàng bèn ban cho cô gái một điều ước. Nàng ước cây nêu sẽ biến thành một cây hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để mỗi lần cô trèo lên sẽ thấy được bóng hình người yêu; còn dải băng đó trên tay nàng sẽ biến thành những bông hoa đỏ 5 cánh để chàng trai dễ nhận ra. Giàng đồng ý. Thoả nguyện, cô gái buông tay rơi xuống đất. Máu của cô hòa vào cánh hoa làm sắc đỏ càng thêm thắm. Sau này người ta gọi đó là hoa Pơ lang, tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt.

Với người Kinh, người xưa hay đồn đoán “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Nhưng đó chỉ là lời truyền miệng thôi, đừng sợ và đừng gán ghép gì cho mấy ẻm, tội ẻm ha.

Vì đứng ở mặt sau nên tui không biết đây là chùa nào, nhưng so địa điểm thì đoán đây là chùa Tứ Liên trên đường Âu Cơ, Hà Nội.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *