Đã nói đến cầu gỗ ở miền Trung thì một cây cầu không thể bỏ qua là cầu Ông Cọp, điểm đến được nhiều người lựa chọn để check in.
Đường đến cầu gỗ Ông Cọp
Cầu gỗ Bình Thạnh, tên thường gọi là cầu gỗ Ông Cọp bắc qua sông Bình Bá (sông Phú Ngân), nối liền phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu với xã An Ninh Tây, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Nằm ở vị trí rất thuận tiện là sát quốc lộ 1A nên cây cầu này được nhiều người biết đến hơn các điểm khác. Bạn có thể đến đây theo 2 hướng, từ quốc lộ 1A hoặc từ các con đường trong xã An Ninh Tây.
Từ quốc lộ 1A: Theo hướng từ Nam ra Bắc, cách trạm thu phí An Dân (Tuy An) khoảng 4.4km, qua khỏi địa phận huyện Tuy An, nhìn bên tay phải thấy khối đá granite to bên vệ đường khắc chữ thị xã Sông Cầu, đi một xíu nữa là tới cầu gỗ. Đoạn đường này khá thoáng, nhìn bên tay phải là thấy một cây cầu thô sơ bắc qua dòng sông rõ chính là cầu Ông Cọp. Cầu chỉ nằm cách quốc lộ 1A khoảng 100m. Đầu cầu bên này có dựng một căn nhà gỗ nhỏ để thu phí qua cầu, cũng chỉ mấy nghìn thôi. Kinh phí đó để góp phần sửa sang cây cầu.
Cầu gỗ Ông Cọp nhìn từ quốc lộ 1A.
Từ nhà thờ Mằng Lăng hoặc Gành Đá Đĩa (Tuy An): cứ theo chỉ dẫn của chị Google, đi theo con đường bê tông nội xã đến thôn Bình Thạnh, gặp ngã ba dưới đây là thấy cầu gỗ trước mặt. Nếu đi từ nhà thờ Mằng Lăng thì mất gần 5km, còn từ Gành Đá Đĩa thì khoảng 10km.
Đối diện bảng chỉ đường này là lối đi lên cầu gỗ Ông Cọp, phía bên huyện Tuy An.
Đến cầu gỗ Ông Cọp khi nào
Loại cầu thô sơ như này chỉ dành cho người đi bộ, xe máy và xe đạp. Nếu bạn rất vững tay lái thì hãy chạy xe qua, nếu không thì nên để xe lại và đi bộ ngắm cảnh thôi. Thêm một hướng dẫn sử dụng chung cho mọi cây cầu gỗ là chỉ đi vào mùa khô; còn mùa mưa lũ thường vào tháng 10, 11, nước dâng lên, chảy xiết có thể cuốn trôi cầu nên hoàn toàn không được phép đi qua đây để đảm bảo an toàn.
Cầu gỗ dài nhất Việt Nam
Nghe nói cầu gỗ Ông Cọp được xây dựng lần đầu vào năm 1998, và từ đó đến nay cầu đã được dựng lại rất nhiều lần. Cũng như nhiều cây cầu gỗ khác, cứ sau mỗi mùa mưa bão, lũ lụt, cầu bị hư hỏng nên sẽ được dựng lại và gia cố cho vững.
Các trụ cầu dù được chằng néo đủ kiểu nhưng tui vẫn thấy nó yếu ớt lạ thường.
Cây cầu dài đến 800m, rộng khoảng 2m, chỉ dành cho người đi bộ và xe máy, xe đạp. Trụ cầu cao 8-10m, làm bằng thân cây và những khúc gỗ xẻ từ phi lao, bạch đàn. Mặt cầu được ghép lại từ các tấm ván gỗ rộng, đóng đinh chắc chắn. Thành cầu cao cũng gần 1m, nối với nhau bằng những đoạn tre già.
So với nhiều nơi khác, cầu gỗ ở đây xịn sò hơn khi có lan can đàng hoàng nên lúc đi bộ qua cũng đỡ sợ hơn. Nói vậy chứ lúc tui lượn lờ chụp hình trên đây, thấy cây cầu rung lên khi xe chạy qua vẫn thấy sợ. Bởi thế tui chỉ lượn lượn đoạn gần đầu cầu chứ không dám đi hẳn qua bờ bên kia.
Mưu sinh trên sông
Ngoài việc ngắm nhìn cây cầu gỗ đặc biệt này, bạn còn có thể quan sát những hoạt động của người dân trên sông. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây ưu ái cho hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nên bà con mưu sinh nhờ sông. Sống ở vùng sông nước nên nhiều hộ có đò máy để di chuyển.
Xa xa chính giữa bức ảnh có lưới đánh cá giăng sẵn trên sông.
Bên cạnh cầu là các đìa nuôi tôm. Rải rác trên sông cũng có nhiều đìa tôm lót bạt như này.
Lên bờ sau khi thu hoạch được mớ sản vật của sông.
Tui có hỏi nhưng không nghe rõ là con gì. Nhìn qua thì khá giống con don.
- Đọc thêm: Cầu tre lắt lẻo – cầu An Chánh (Tây Sơn, Bình Định)
- Cầu tre lắt lẻo – cầu gỗ trên đầm Trà Ổ (Phù Mỹ, Bình Định)
- Cầu tre lắt lẻo – cầu gỗ vượt Lại Giang (Hoài Nhơn, Bình Định)
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |