Khám phá thành phố trẻ Putrajaya ở đất nước trăm đảo

Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 35km về phía Nam, thành phố Putrajaya có tuổi đời còn khá trẻ. Được quy hoạch thành lập từ năm 1995, đây là trung tâm hành chính mới của Malaysia và nhanh chóng trở thành điểm du lịch ven thủ đô.

1. Ý nghĩa của thành phố Putrajaya

Putrajaya được đặt theo tên của cố Thủ tướng đầu tiên của Malaysia là Tunku Abdul Rahman Putra Al- Haj (1903-1990). Trong tiếng Mã Lai, “Putra” nghĩa là hoàng tử và “jaya” nghĩa là chiến thắng hoặc thành công.

Quảng trường, Văn phòng Thủ tướng và nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Putrajaya nằm gần nhau trong 1 khu vực.

Putrajaya ban đầu chỉ là một vùng đất điền trang Prang Besar với nhiều đồn điền cao su và cọ dầu – vốn là loại cây thế mạnh nông nghiệp của Malay. Khi Kuala Lumpur dần trở nên đông đúc, giao thông ùn tắc, ý tưởng về việc di dời các cơ quan hành chính về một khu vực khác bắt đầu được đưa ra và Putrajaya đã được chọn.

Vốn là thuộc địa cũ của Anh, các nhà cầm quyền Malaysia còn có mong muốn xây dựng một thủ đô mới, nhằm thay thế dần thủ đô được hình thành trong thời kỳ thuộc địa. Putrajaya được hình thành cũng vì lý do này, vừa phản ánh các giá trị và khát vọng của một quốc gia, vừa thoát ly khỏi hình ảnh quá khứ thuộc địa.

Trong quá trình xây dựng, các nhà thiết kế đã cố gắng lồng ghép bản sắc dân tộc trong các công trình kiến trúc. Đây cũng nằm trong một loạt các dự án đô thị đầy tham vọng của Malaysia, thể hiện cam kết của nhà nước trong việc xây dựng bản sắc dân tộc đặc biệt. Đây là công trình “made-in-Malaysia” và “made-by-Malaysians”.

2. Quá trình hình thành Putrajaya

Ý định thay thế Kuala Lumpur bằng Putrajaya làm thủ phủ hành chính xuất hiện từ cuối những năm 1980, khởi xướng bởi Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohamad. Năm 1993, vùng đất này được lựa chọn. Từ kế hoạch tổng thể vào 2/1994; quy hoạch tổng thể 2/1995 và triển khai xây dựng từ 8/1995 – 2001. Tổng chi phí khoảng 8.1 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, Putrajaya trở thành lãnh thổ liên bang thứ 3 của Malaysia, sau Kuala Lumpur năm 1974 và Labuan năm 1984.

  • Góc nhỏ: Malaysia là một liên bang gồm 13 tiểu bang (Negeri) và 3 lãnh thổ liên bang (Wilayah Persekutuan); trong đó khu vực bán đảo có 11 bang và 2 lãnh thổ liên bang (Kuala Lumpur và Putrajaya), khu Đông Malai có 2 bang và 1 lãnh thổ liên bang (Labuan).

Kuala Lumpur vẫn là thủ đô của Malaysia, nơi có văn phòng Quốc hội và cung điện hoàng gia đầu tiên. Trong khi đó, Văn phòng thủ tướng bắt đầu chuyển đến Putrajaya, sau đó là Tòa án Liên bang, cung điện hoàng gia thứ hai và nhiều tòa nhà hành chính khác.

3. Cách di chuyển từ Kuala Lumpur đến thành phố Putrajaya

– Tàu lửa: tàu nhanh Từ sân bay Kuala Lumpur có thể đi để đến Putrajaya, mất khoảng 20 phút. Chuyến tàu từ ga KL Sentral đi qua nhà ga quốc tế của sân bay Kuala Lumpur, bạn sẽ xuống ở ga KLIA Putrajaya & Cyberjaya. Đây là một trạm trên hành trình chứ không phải điểm cuối. Các chuyến tàu chạy từ 5h sáng đến 12h30 đêm, cứ 15-30 phút sẽ có một chuyến tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Chiều ngược lại từ Putrajaya đến Kuala Lumpur cũng tương tự. Bạn tham khảo thông tin về chuyến tàu ở đây nhé: https://www.kliaekspres.com/products-fares/klia-transit/

– Xe buýt: các tuyến buýt số 100, 101, 300.

Xe khách ở Malaysia có thêm bậc lên xuống có thể hạ xuống thấp, tạo sự dễ dàng cho người lên xuống.

– Bạn cũng có thể thuê xe đạp, xe máy, ô tô để di chuyển. Ngoài yêu cầu về bằng lái, bạn cần chú ý giao thông ở Malaysia theo tay lái nghịch.

Nội thất xe khá màu sắc.

4. Điểm nhấn du lịch của thành phố

  • Quảng trường Putra

Quảng trường Putra là nơi tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, được thiết kế thành hình tròn với ba ngôi sao đồng tâm mang ý nghĩa các giai đoạn lịch sử của Malaysia từ khi giành được độc lập. Vòng ngoài bao gồm 11 cánh, tượng trưng cho 11 bang trong giai đoạn Malaysia vừa giành được độc lập (8/1957). Ngôi sao thứ hai có 13 cánh tượng trưng cho 13 bang khi đất nước đã ổn định. Cuối cùng là ngôi sao 14 cánh tượng trưng cho 13 bang và thủ phủ mới.

  • Thánh đường Hồi giáo Putra

Thánh đường Putra nằm bên cạnh quảng trường Putra, gây ấn tượng bởi sắc hồng lung linh. Nhìn từ xa, thánh đường nổi bật với mái vòm cong màu hồng cùng nhiều họa tiết trang trí tỉ mỉ bên ngoài. Thánh đường còn có ngôi tháp cao đến 116m, ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt về đạo Hồi. Với quy mô 15000 tín đồ có thể cầu nguyện cùng lúc, thánh đường Putra là một trong các nhà thờ Hồi giáo lớn ở Malaysia và là nhà thờ lớn nhất ở Putrajaya.

Đọc thêm: Lộng lẫy miền thánh đường hồng Putra ở Malaysia

  • Tòa nhà Perdana Putra

Tòa nhà với mái vòm xanh màu ngọc bích đằng xa chính là tòa Perdana Putra, đang trong quá trình tu sửa. Đây là góc nhìn từ phía thánh đường Putra nhìn sang.

Perdana Putra là cơ quan hành pháp và văn phòng làm việc của Thủ tướng Malaysia. Tòa nhà nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành phố, quay mặt ra hồ Putrajaya. Tòa nhà cao 6 tầng, lộng lẫy như một cung điện với mái vòm cong hình củ hành màu xanh ngọc bích ở chính giữa và 4 mái vòm nhỏ ở 4 góc. Dãy nhà trung tâm còn có khắc hình hoa dâm bụt – quốc hoa của Malaysia.

  • Hồ nước nhân tạo Putrajaya

Từ thánh đường Putra nhìn ra hồ nước Putrajaya

Hồ Putrajaya chảy bao quanh thành phố với diện tích hơn 650 ha, được xây dựng nhằm mục đích điều hòa khí hậu. Ngoài nhiều hoạt động sôi nổi như đua thuyền, giải trượt nước, các lễ hội khinh khí cầu, lễ hội hoa…, bạn còn có thể đi thuyền ngắm nhìn Putrajaya từ trên hồ. Điểm đặc biệt là ¾ diện tích thánh đường Putra là nằm trên hồ nước này.

  • Cầu Seri Wawasan

Cầu Seri Wawasan với thiết kế cầu kỳ nằm xa xa trong hình. Ảnh: HMHùng 

Cầu Seri Wawasan là cây cầu dài nhất tại thành phố Putrajaya, là con đường chính dẫn vào khu đảo trung tâm. Cầu được thiết kế theo dáng thuyền buồm, với kết cấu dây văng có khung thép gia cố. Cầu nằm bên trái thánh đường Putra.

Ảnh: Dennis

  • Cầu Seri Perdana

Cầu Seri Perdana dài 370m, được thiết kế theo ý tưởng của kiến trúc Hồi giáo Moorish. Trên cầu có 8 bãi đỗ xe tại 8 trụ cầu hình tháp. Từ đây bạn có thể ngắm toàn cảnh hồ Putrajaya, khu liên hợp Perdana Putra và nhà thờ Hồi giáo Putra.

  • Cầu Seri Gemilang

Ảnh: Cecelia Chang

Cầu Seri Gemilang được xem là cây cầu nghi lễ, kết nối Quảng trường Di sản với Trung tâm Hội nghị Putrajaya. Cầu dài 240m, theo phong cách kiến trúc La Mã.

5. Thành phố của tầm nhìn mới

Putrajaya được chia làm khu vực lõi và khu vực ngoại vi, tập trung vào 2 chủ đề là thành phố vườn và thành phố thông minh.

Putrajaya trải rộng trên 4581.04 ha (11320 mẫu Anh), được xây dựng như một thành phố vườn với 70% diện tích là dành cho không gian xanh, cây cối, công viên, sông ngòi. Các dự án được ưu tiên cho môi trường và cực kỳ ngăn nắp, sạch sẽ.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hoàn thành, đây là thành phố đầu tiên ở châu Á có hệ thống quản lý xã hội toàn bộ bằng công nghệ thông tin. Putrajaya nằm bên cạnh Cyberjaya – được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Malaysia.

Có thể nói rằng, Putrajaya là hình ảnh của một thành phố hiện đại kết hợp truyền thống, hướng tới một môi trường bền vững.

Đọc thêm: Otak-Otak – món ăn đường phố nổi tiếng ở Malaysia

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *