Trường tui có một cây đa già, đối diện cây sộp trong bài hôm trước tui kể. Tính ra 2 bạn cây này đều nằm ở vị trí đắc địa 2 mặt tiền, phía trước là không gian rộng rãi của sân cỏ nhân tạo và khu tập luyện quân sự của trường.
Khi cây đa bắt đầu trổ búp non thì cây sộp phía bên kia đường đã tỏa bóng xanh rì.
Quay lại với chuyện cây đa, sau khi dò đi dò lại 7749 nguồn thì tui thấy nó có vẻ giống cây đa lông nhất. Giống ông bạn hàng xóm, Đa lông cũng có mùa cây thay lá tươi non đầy sức sống, nhưng lại không được săn đón như Sộp. Có lẽ vì nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề tâm linh của cây đa; hoặc đơn giản nó không có màu vàng óng ả của lớp lá non như cây Sộp. Nhưng tui nghĩ, việc của lá là xanh, việc của cây là tỏa bóng mát, chỉ vậy thôi. Nên với tui cây nào cũng đáng yêu hết trơn.
Cây đa cũng có mùa lá rụng, trơ lại những cành già khấc.
Chờ tới lúc thích hợp, lộc non bắt đầu trổ tua tủa.
Cây đa lông còn gọi là đa hạch, song hạch, sung nhân. Tên khoa học là Ficus drupacea Thunb, họ Dâu tằm (Moraceae), cũng cùng họ với cây sộp. Đây là loại thân gỗ dạng cổ thụ với dàn rễ phụ mọc tua tủa, có khi đâm từ trên cành xuống đất rồi phát triển như một thân trụ cho cây. Cây đa trường tui không biết đã bao nhiêu tuổi, nhưng đám rễ phụ khá sum suê rườm rà chứng tỏ nó chẳng còn trẻ. Dễ chừng đường kính cây cũng phải cả mét, tính cả thân chính và thân phụ bao quanh vốn lớn lên từ rễ.
- Đọc thêm: Cây sộp
Cây đa sau mùa rụng lá thì sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Đến khi trời trở nên âm ấp, trên những thân cành khô khốc bắt đầu trồi ra đám búp nhọn. Những chiếc búp thuôn dài màu đỏ đậm, dài cỡ 1 ngón tay, bao lấy toàn bộ đám chồi bên trong. Người ta còn gọi búp này là lá kèm, xung quanh phủ đầy lông.
Dần dà, khi lá nở, búp sẽ rụng xuống, xòe ra những chiếc lá non tươi xanh. Lá đa khá to và dày, dài cỡ gang tay mang hình trái xoan hoặc bầu dục. Lá mọc so le, đầu lá hơi nhọn, gốc thì bo tròn. Gân lá nổi khá rõ ở cả mặt trên và dưới gồm gân chính ở giữa và các cặp gân phụ tỏa ra đối xứng 2 bên.
Lá đã xanh um phủ kín cây.
Người ta gọi nó là cây đa lông có lẽ bởi lớp lông tơ đặc trưng bao từ thân đến lá. Những cành nhánh thuở còn non có lông mềm mại bao quanh. Lá cây cũng vậy, nhưng lông chỉ phủ kín mặt dưới, còn mặt trên thì khá nhẵn. Đám lông này chỉ dài chừng 1cm, màu vàng hơi hơi nâu.
Đến khi những thân cành và đám lá trở nên cứng cáp, già đi thì sẽ rụng lông nhẵn nhụi. Chà, đến đây tui thiệt muốn cảm thán về tuổi già. Dường như về già đứa nào cũng trở nên hom hem, người thì rụng tóc mà lá thì rụng lông. Chỉ có điều, rắn tới mùa thì lột xác cho trẻ đẹp hơn, cây tới mùa cũng rụng lá rồi trở lại với vẻ ngoài mơn mởn; mà người thì cứ ngày càng khú. Thiệt tình là bất công quá mà.
Cây đa thường ra hoa vào đầu mùa hè. Những bông hoa nhỏ hình trứng, bên ngoài màu trắng còn bên trong đỏ hồng, ngắn hơn 1 đốt tay, mọc lẻ trên nhánh cây hoặc xếp thành đôi ở nách lá. Đến mùa đậu quả, những trái đa to cỡ trái nhót cứ đính chùm đôi chùm ba khắp cây.
Quả non màu xanh, sau thành vàng sậm, rồi dần chuyển sang đỏ đậm, nâu đỏ. Thường thì sau đợt cây rụng lá một thời gian ngắn là đến mùa quả. Quả đa có phần thịt mềm, mọng nước, mùi ngọt mát.
Người ta vẫn nói mùa quả thường là vào tháng 6, 7; nhưng có những năm quả vẫn chi chít trên cây giữa độ xuân về.
Ngoài ra, về mặt dược tính, cây đa lông thường được thu hái búp non, lá và tua rễ, vỏ thân để làm thuốc thanh nhiệt, hạ sốt, chữa viêm xoang, sỏi thận, vàng da.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |