Chuyện nhà Gạo

Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời – câu này hồi nhỏ tui học miết. Đến một ngày đẹp trời nọ, tự dưng tui ngồi lẩm nhẩm các nickname của chị Gạo. Nếu phải lập cây gia phả cho nhà đó thì tui nghĩ rằng riêng cái khoản viết tên gọi khác, bí danh… của chị í đủ kín cả trang giấy rồi. Bạn hông tin he, thử liệt kê với tui đi.

Này nhé, hồi còn nhỏ nằm trong lòng mẹ, Gạo mang tên Thóc. Hạt Thóc mà được ăn no ngủ kỹ, uống sữa béo bụng rồi sẽ nẩy mầm, nhú lên cọng lá non mềm như tóc tơ em bé, lúc ấy đổi tên thành Mạ. Mạ cứng cáp một chút, cho ra va chạm với nắng mưa, ruộng vườn thì gọi là Lúa. Lúa tới tuổi dậy thì, xanh tươi mơn mởn liền gắn thêm cái nickname “Lúa con gái”. Lớn thêm chút nữa, ẻm bắt đầu trổ những bông lúa non nhưng vẫn còn e ấp nằm trong bẹ lá, ấy là Đòng. Thời kỳ mặn mà nhất, đám bông lúa lớn ào ào rồi chín vàng cả cánh đồng và chờ thu hoạch. Hạt lúa còn bám vào cây thì vẫn gọi là hạt Lúa, nhưng khi đem đập cây lúa cho hạt rơi ra sẽ lấy tên mới là hạt Thóc, mà Thóc đem xay xát cho bong lớp vỏ bên ngoài sẽ mang theo danh xưng Gạo – từ đây bắt đầu xuất khẩu ra 5 châu 4 bể. Các hạt gạo vỡ được ban tặng cái tên Tấm, còn lớp bột mịn màng bên ngoài hạt Gạo sau khi xay xát được ghi vào sổ hộ tịch bằng bí danh Cám.

Ấy thế mà cây Lúa vẫn chưa hết tên. Phần cây Lúa gặt xong, phơi khô thì gọi là Rơm, còn cái gốc cứng quèo ở ngoài đồng lại mang tên Rạ. Kể cả lớp vỏ hạt Thóc kể trên cũng có tên riêng là Trấu.

Bông của hạt lúa. Ảnh: Thanh Liêm

Đấy là mới xong công đoạn đầu tiên của nhà Gạo nhé. Đến đời F1, Gạo nấu chín lên thì thành Cơm, Cháo; Gạo đem xay ra thì thành Bột; Gạo rang lên rồi xay mịn thì thành Thính. Gạo gói chặt đem ninh mềm cỡ chục tiếng thì chính là món ăn ngày tết – Bánh chưng, Bánh tét.

Cơm lam chiên giòn

Riêng Cơm cũng có 5 7 loại tùy theo hình dáng hoặc vật dụng dùng để nấu. Cơm mà nắm thật chặt lại thì thành Cơm nắm – món này ăn với thịt kho hoặc muối vừng thì hết xảy nha. Cơm nhét vào ống tre thì gọi là Cơm lam. Cơm nấu trong niêu gọi là Cơm niêu.

Sang đời F2 với con cháu nhà Bột Gạo. Hỗn hợp Bột gạo lỏng đem chế vào chén và hấp thì có Bánh bèo.

Bánh bèo

Đọc thêm: Dân dã bánh bèo Bình Định

Nếu chiên với dầu thì có Bánh căn, Bánh khọt, Bánh xèo, Bánh khoái, Bánh cống, Bánh tôm. Bột gạo đem tráng một lớp mỏng trên khuôn hấp, người ta có bánh Cuốn, bánh Ướt, Phở cuốn.

Bánh căn

Bánh cuốn

Phở cuốn Hà Nội

Nếu tráng bột dày hơn rồi cắt sợi thì có Phở, Mì quảng. Thành phẩm từ quá trình tráng bánh này nếu phơi khô thì có Bánh tráng; phơi khô rồi cắt sợi sẽ ra thành phẩm Phở khô Bình Định, Hủ tiếu, Miến, Bánh đa cua.

Mì quảng

Phở khô Gia Lai

Từ hỗn hợp Bột gạo lỏng đem đăng bột cho thành khối đặc rồi ép khuôn. Nếu dùng khuôn sợi mảnh và đem hấp chín thành phẩm sẽ có Bánh hỏi, Bánh dây Bình Định. Nếu dùng khuôn sợi to rồi trụng cho chín bột thì món Bún sẽ ra lò.

Bánh hỏi

Bún quậy Bình Định

Từ hỗn hợp Bột gạo khô pha với nước thành một khối sền sệt, đem tạo hình rồi hấp chín người ta có Bánh nậm, Bánh giò, Bánh đúc, Bánh răng bừa, Bột chiên (món bột chiên thì còn thêm đoạn chiên vàng nữa). Bột gạo đó mà bọc bên ngoài đồ ăn rồi đem chiên thì có Chuối chiên, Bánh rán. Bột gạo xắt sợi thì có Bánh canh.

Đọc thêm: Bỏ túi các quán bánh canh dưới 15k ở Quy Nhơn

Mà tui cũng chỉ mới nói chuyện nhà Gạo tẻ thôi đó, thêm chị em cây khế Gạo nếp nữa là dài dằng dặc luôn. Còn cái tên nào nữa, bạn để lại bình luận thêm cho tui với nè.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *