Cơm rang dưa bò Hà Nội – Thưởng thức nét lạ trong món quen

Nếu bạn là một tín đồ của món cơm rang (cơm chiên), đã từng thử vị cơm chiên Dương Châu, cơm chiên cá mặn, hải sản, hay cơm chiên muối ớt xanh Phú Yên, nhất định không nên bỏ qua “cơm rang dưa bò” ở Hà Nội. “Dưa bò” thật ra là gọi tắt của dưa cải muối chua xào với thịt bò. Các hàng bán cơm rang thường có thêm món cơm rang ăn kèm với dưa chua xào lòng heo, thịt gà…, song được lòng thực khách nhất vẫn là cơm rang dưa bò.

Món ăn này có mặt trong nhiều quán khác nhau ở Hà Nội, nhưng nếu ghé phố cổ, bạn có thể thử tìm đến phố Mã Mây. Trên quãng đường chưa đầy 300m có khá nhiều nhà hàng, quán ăn, mùi thơm bay lên ngào ngạt từ đầu này đến đầu kia con phố. Theo lời review của nhiều trang tư vấn du lịch, tui và cô bạn chọn quán bà Dung – một địa điểm nằm ngay ngã ba đường để vừa ăn vừa ngắm dòng người qua lại. Quán đặt ở 38 Mã Mây, khá nhỏ nên chỉ dành làm nơi chế biến, thậm chí bếp còn được đặt ngay trên vỉa hè. Vì vậy bàn ăn của khách được dời sang phía đối diện, ngay góc cua khá rộng của ngã ba Mã Mây – Hàng Chĩnh. Bàn ăn ở xa khu vực bếp như vậy cũng có cái lợi là đỡ bị ám mùi thức ăn vào quần áo thực khách.

Ngồi bên này đường nhìn sang bên kia đường, xem anh đầu bếp đang thoăn thoắt đảo cơm trên chiếc chảo gang. Cơm được rang trên lửa to để hạt cơm được nóng đều. Cơm để rang phải là cơm nguội thì hạt cơm mới tơi xốp nhưng lại không quá khô hay dẻo, dính để khi rang cơm không bị vón cục. Nghe tiếng sạn xào cơm cào cào trên chảo gang rổn rảng, hít hà mùi hành tỏi phi đầy quyến rũ, dạ dày tui bắt đầu kêu rột rột. Đến khi hai dĩa cơm đầy ú ụ được bưng ra, hai đứa mới hiểu “con mắt to hơn cái bụng” là như thế nào. Một phần cơm chắc phải hai người ăn mới hết. Không giống nhiều món cơm rang khác trộn tất cả nguyên liệu vào cùng chiên một lần, ở đây mỗi thứ đều được để riêng, trông như một mâm cơm gia đình. Một dĩa cơm trắng được rang lên, đã nêm gia vị vừa phải, rắc chút tiêu cho thơm. Một dĩa thịt bò xào với dưa cải, thịt bò mềm mà không bở, dưa khá giòn và chua thanh thanh. Tất cả còn đang nghi ngút khói, mùi bay lên thơm lừng. Một bát tương ớt để tăng thêm khẩu vị, cùng ít dưa leo chống ngán. Ăn đến đâu thì trộn vào đến đấy. Múc một thìa óng ánh những hạt cơm săn đều, bóng mẩy, gắp miếng thịt bò mềm thơm kèm ít dưa chua thấm đẫm gia vị. Ai thích thì chan nước xào dưa cho thêm phần đậm đà. Vị mằn mặn, ngọt bùi của cơm và thịt quyện với vị chua chua béo béo của dưa, thêm chút tương ớt cay cay, cực kỳ kích thích vị giác.

Ngoài ra, bạn có thể gọi thêm một phần óc heo chiên trứng, ngon nhưng hơi nhiều dầu, khá béo. Tuy nhiên, tôi nghĩ một phần cơm rang dưa bò sáu mươi nghìn là ăn lặc lè, đã đủ sức lấp đầy mọi cái bụng đang đói meo sau cả buổi dạo chơi phố cổ.

Mách nhỏ cho bạn:

  • Phố Mã Mây nằm trong tuyến phố đi bộ của phố cổ Hà Nội, nên nếu đến đây vào dịp cuối tuần, bạn có thể tung tăng thoải mái mà không lo né xe cộ. Con phố cong theo hình chữ L, một đầu giao với Hàng Bạc, đầu còn lại nối vào Hàng Buồm. Theo giải thích của nhiều người ở đây, tên gọi “Mã Mây” xuất phát từ phố Hàng Mây (đoạn giáp Hàng Buồm) và Hàng Mã (đoạn giáp Hàng Bạc). Phố Hàng Mây có những cửa hàng bán sợi song mây và đồ dùng chế biến từ mây. Phố Hàng Mã chuyên bán đồ cúng vàng mã; phố này có trước phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân chuyên bán hoa giấy, lồng đèn (và cũng là một điểm check in rất ăn ảnh dịp Giáng sinh, tết Trung thu…). Do vậy trước đây người ta còn gọi phố Hàng Mã ở Mã Mây là “Hàng Mã dưới”, còn phố gần chợ Đồng Xuân hiện nay là “Hàng Mã trên”.

  • Từ đây, bạn cũng có thể ghé thăm nhà cổ số 87 Mã Mây. Đây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây từ cuối thế kỷ 19, dạng nhà ống nhưng rất thoáng mát. Không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc, ngôi nhà vẫn bảo quản một số vật dụng từ xưa, tạo thành một điểm nhấn trong du lịch phố cổ.
  • Nếu không, từ ngã ba này chỉ cần đi theo phố Hàng Chĩnh khoảng 50m là đến đường Trần Nhật Duật, ngay vòng xoay cầu Chương Dương, nơi có con đường gốm sứ dài 4km nổi tiếng được khánh thành vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *