Nghe nói bánh mì đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19 với nguyên mẫu là ổ bánh mì Baguette dài ngoằng. Tui đồ rằng lúc ấy người Pháp sẽ chẳng thể ngờ có ngày bánh mì lại được Việt hóa một cách đặc sắc đến như vậy. Theo thời gian, người Sài Gòn rút ngắn bánh mì Baguette chỉ còn khoảng một gang tay rưỡi, biến tấu với nhiều loại nhân khác nhau và trở thành nét đặc trưng của ẩm thực Việt. Từ Pháp qua Việt Nam, bánh mì Việt Nam lại bước ngược ra nước ngoài để ghi vào từ điển Oxford năm 2011 với cái tên thuần Việt “banh mi /ˈbɑːn miː/” (cùng với “Phở” – pho /fə ː/ và “Áo dài” – ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/). Không những thế, bánh mì Việt còn đứng vào danh sách các món ăn đường phố ngon nhất thế giới và là món bánh mì kẹp ngon nhất trên thế giới. Tạp chí nổi tiếng The Guardian ngày 24/12/2012 đã viết trong bài “The world’s best street food” rằng “Một bí mật ít người biết là món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí là thành phố New York, mà trên đường phố Việt Nam. Bánh mì lúc đầu được nướng sơ qua trên than. Phết một lớp mayonnaise và ít pâté, sau lớp vỏ giòn là đầy ắp thịt, rau ngâm chua và rau thơm. Tiếp đó, chan vài giọt nước tương và gia vị ớt cay”. Không dừng ở đó, bánh mì xuất hiện đầy ấn tượng trong trang phục dân tộc tại một đấu trường nhan sắc thế giới, lộng lẫy theo sải bước của Hoa hậu H’Hen Niê – top 5 Miss Universe 2018.
Ai ưa ngọt có lẽ sẽ không bỏ qua cách ăn bánh mì chấm sữa đặc có đường. Cái vị ngòn ngọt beo béo của sữa được làm dịu đi bởi vị nhạt thanh của bánh mì vừa đủ để không gắt nơi cổ họng. Tui cũng thích kiểu này, nhưng chủ yếu là vì lúc chu mỏ thổi sữa ra khỏi lon, tui sẽ tranh thủ lè lưỡi quét gọn dòng sữa dư. Chẹp, chỉ vì chút xíu sữa đó mà duyệt luôn cả món bánh mì chấm sữa.
Tuy nhiên, bánh mì chả mới là nét đặc trưng gây ấn tượng với thực khách. Tùy mỗi loại nhân mà bánh mì được gọi tên khác nhau. Đà Nẵng có bánh mì bột lọc, không phải bột lọc Huế đâu mà là kiểu bánh tai vạc Bình Định. Một ổ bánh mì dài, ốm nhách, bỏ mấy cái bánh bột lọc, xịt xì dầu hoặc nước mắm đường vào. Suốt 1 tháng học quân sự thời sinh viên ở Hòa Cầm (Đà Nẵng), gần như sáng nào tụi tui cũng “thổi kèn” kiểu này. Ra Hà Nội, quẩn quanh trong KTX, tui lại kết thân với bánh mì trứng ngải cứu. Cơ mà dù mùi trứng rán có thơm đến cỡ nào, vị ngải cứu có lạ miệng ra sao thì cũng không át được mùi than tổ ong nồng nồng hắc hắc bám trên lớp vỏ bánh, chắc do khu bình dân nên người ta chỉ dùng loại than này để nướng bánh. Có lần lạng xuống Hải Phòng, tui nhứt định không bỏ qua món bánh mì que, chỉ có xíu pate phết trong ổ bánh mì to bằng 2 ngón tay mà ngon lạ kỳ. Lên Đà Lạt thì phải thưởng thức bánh mì xíu mại. Sáng sớm khi sương vẫn còn vấn vít trên ngọn cây, áp mấy ngón tay lạnh buốt vào chén nước chấm nóng hổi cùng viên xíu mại tròn ủm, trời quơi chưa ăn đã thấy ngon rồi. Trong Nam còn có bánh mì kem, múc vài viên kem mát lạnh cho vào ổ bánh mì, nghe nói thôi chứ tui chưa được thử.
Kể ra, đất Quy Nhơn cũng không hề kém cạnh trong việc tạo dấu ấn cho bánh mì. Một ổ bánh mì “đủ thứ” sẽ đầy ắp chả, ba chỉ rim, trứng, dăm bông, thịt nướng, bơ, pate. Có nơi còn biến tấu thêm những loại nhân khác là nem, bò tái lăn, tai heo rim, hay cuốn chả ram be bé. Đừng vội lo rằng quá nhiều đạm, bởi sẽ có ít rau thơm, lát dưa leo thái mỏng, đu đủ chua ăn kèm cho điều hòa vị giác. Bí quyết còn lại là nước chan, có nơi thì xì dầu, có nơi pha chế nước chan theo một cách rất riêng, tạo nên độ hấp dẫn của từng xe bánh mì. Ai ưa cay thì cho tương ớt, hoặc chơi hẳn quả ớt xiêm xanh thơm và cay xé lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon (là tui nghe kể thôi, chứ nào giờ có biết ăn cay đâu). Cái hay là ở chỗ bánh mì ngoài vỏ giòn rụm nhưng bên trong lại mềm, các loại nhân hòa quyện với nhau một cách đậm đà.
Nếu không vội đi làm thì gọi bánh mì chấm rồi đủng đỉnh ngồi ăn. Lần đầu tui biết món này là ở bánh mì Loan, bán trước trụ sở Công an tỉnh, đường Trần Phú. Nhờ xe bánh mì vỉa hè đó mà cô chủ mua được luôn cả khu nhà tập thể đường Lê Hồng Phong – thật tình cờ lại là nhà nhỏ Trinh trước đây. Cũng những món thường cho vào bánh mì nhưng bây giờ múc ra chén nhỏ; bẻ miếng bánh mì chấm nước, kẹp miếng thịt rồi ăn. Chỉ có thể là ngon! Hồi còn đi học, bữa nào trong túi rủng rẻng tiền thì rủ đám bạn đến bánh mì lagu ở con hẻm chút xíu trên đường Nguyễn Huệ. Chỉ cần đến đầu ngõ là đã nghe mùi bánh mì phết bơ nướng thơm ngào ngạt, khiến bụng đứa nào cũng sôi sùng sục.
Nhiều khi, tui cứ hoài niệm ổ bánh mì lúc nhỏ. Hồi đó, thi thoảng buổi chiều nhỏ Trinh tới học bài cùng. Hai đứa ngồi bệt dưới đất, bàn học là cái ghế dài màu trắng. Tầm 4h30 chiều, khi cái bụng lưng lửng đói mà mùi chiên xào nhà hàng xóm lại bắt đầu bay lên thơm phức, thể nào hai đứa cũng khều khều rủ rê kiếm đồ ăn. Dễ nhất là tót ra tủ bánh mì cách nhà chục bước chân, mua ổ bánh mì không 600 đồng, xin cô chủ xẻ ra, bỏ lát dưa leo và ít nước chan, cắt đôi rồi mỗi đứa một nửa ngồi gặm. Thiệt tình, chắc họ thấy tội nghiệp bà bé hàng xóm bẻm ăn, chớ mua bánh mì không mà đòi hỏi túa lua vậy thì lỗ mất thôi. Bây giờ không cách nào tìm lại vị bánh mì ngon như hồi đó.
Còn bạn thì sao, ổ bánh mì mà bạn thích nhất là gì?
📌📌 Mách nhỏ cho bạn: Ở Quy Nhơn, đi đâu cũng có thể gặp bánh mì, giá trung bình 15k/ổ. Ngoài ra một số quán mà tui có nhắc đến trong bài và gần khu tui ở là:
- Bánh mì A Vinh: ngã ba Trần Hưng Đạo và Phạm Hồng Thái. Bán từ 18h00 đến tối.
- Bánh mì Thuận Phát: 184 Hai Bà Trưng, ngay ngã ba Hai Bà Trưng và Bà Triệu. Đây là lò bánh mì nên có bán bánh mì không cả ngày (chỉ 5k 3 ổ), còn bánh mì chả thì chỉ bán buổi sáng, trừ rằm thì không bán bánh mì chả.
- Bánh mì cô Lệ, bán gần nhà thờ Tin Lành, 71 Hai Bà Trưng, gần ngã 4 Hai Bà Trưng – Lê Lợi
- Bánh mì Loan: 88 Lê Hồng Phong và 153 Lê Hồng Phong. Bán buổi sáng và buổi xế chiều đến tối
- Bánh mì lagu: hẻm 171 Nguyễn Huệ. Bán khoảng 16h30 đến tối
-LVA-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Ai bánh mì không? […]
[…] Đọc thêm: Ai bánh mì không? […]